TP Hồ Chí Minh: Có thể bị lụt lớn

TP Hồ Chí Minh: Có thể bị lụt lớn
TP - Tính đến 21 giờ ngày 4/12, huyện Cần Giờ đã tổ chức di dời 2.080 hộ dân tại các xã, thị trấn thuộc khu vực nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn.. 

Theo UBND huyện Cần Giờ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã cử các đội xung kích xuống những khu vực “nóng”, có nguy cơ sạt lở cao và tiến hành chằng chống lại tất cả các nhà xiêu vẹo để phòng tránh khi có bão tới.

Huyện Cần Giờ đã chỉ đạo các đơn vị dự phòng nguồn lương thực, 5.000 lít nhiên liệu dự trữ và huy động 5 phương tiện phục vụ cho công tác tuần tra, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (1 tàu kiểm ngư, 2 tàu Công an; 2 tàu biên phòng; 6 ca nô và 4 xà lan phục vụ công tác tuần tra, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương vào lúc 20 giờ ngày 4/12, bão số 9 còn cách Bình Thuận khoảng 120km về phía Đông. Khả năng lớn nhất là, bão sẽ đổ bộ vào Bình Thuận, sau đó qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và sẽ tác động trực tiếp đến khu vực phía Nam TPHCM vào chiều nay (5/12).

Do di chuyển trên khu vực đồng bằng nên cường độ của bão sẽ suy giảm rất ít. Dự kiến khi đổ bộ vào TPHCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão sẽ mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 10.

Trong khi đó khu vực Nam Bộ đang vào đợt triều cường. Theo ông Phạm Văn Thắng Phó ban PCLB TP HCM, với sức mạnh của bão số 9, nếu kèm mưa lớn cộng với thời điểm bão đổ vào trùng với lúc triều cường trên các sông lên cao và hiện nay đang là đầu mùa khô, hầu hết các hồ chứa đã tích đầy nước, không thể chứa thêm được (hồ Dầu Tiếng đã phải xả lũ 100m2/s từ sáng 4/12) nên TPHCM có thể sẽ bị vỡ hàng loạt đê bao ven các sông, rạch và có khả năng sẽ ngập chìm trong biển nước như trận lũ lịch sử năm Thìn (1952).

Chiều 4/12, nhiều hộ dân thuộc các quận, huyện khác có khả năng hứng chịu bão như quận 8, huyện Bình Chánh đã chằng chống nhà cửa để chuẩn bị đối mặt với bão.

Học sinh có thể sẽ phải nghỉ học

Ngày 4/12, Sở GD-ĐT TPHCM đã gửi công văn khẩn cho các Phòng Giáo dục, các trường THPT cũng như các đơn vị trực thuộc yêu cầu thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn về người, thiết bị, cơ sở vật chất trong thời gian trước, trong và sau khi cơn bão số 9 đi qua.

Theo đó, sở sẽ giao quyền cho trưởng Phòng Giáo dục, hiệu trưởng các trường THPT và các đơn vị trực thuộc cho phép học sinh nghỉ học trong trường hợp không an toàn. Bắt đầu từ 4/12, nghiêm cấm học sinh di chuyển bằng đường sông  cho đến khi cơn bão đi qua.

Kiên Giang: Toàn bộ học sinh nghỉ học 

Ông Huỳnh Văn Gềnh, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh cho biết: Toàn tỉnh Kiên Giang có trên 7.300 chiếc tàu đánh cá, trong đó có 2.995 chiếc đánh bắt xa bờ.

Đến 14 giờ chiều, đã liên lạc được với toàn bộ 261 thuyền đánh bắt ở biển Đông và các thuyền này đã vào được các nơi trú ẩn an toàn. Đối với 18 thuyền đang đánh bắt trên biển Tây, mặc dù ngành chức năng đã có thông báo nhưng các thuyền chủ quan không chịu vào.

Vào lúc 17h30 các cán bộ ngành Thủy sản đã đến từng nhà yêu cầu các chủ tàu và gia đình họ liên lạc với các thuyền trưởng, vào bản cam kết đưa tàu vào nơi trú ẩn an toàn ngay trong đêm 4/12.

Để đảm bảo an toàn tính mạng cao nhất cho người dân, tỉnh Kiên Giang đã quyết định cho toàn bộ các trường nghỉ học trong hai ngày 5 và 6/12.

MỚI - NÓNG