TP Hồ Chí Minh sẽ làm đê bao như Hà Nội

Triều cường gây nhiều thiệt hại cho người dân ở TPHCM
Triều cường gây nhiều thiệt hại cho người dân ở TPHCM
TP - TP Hồ Chí Minh sẽ phải làm hệ thống đê bao như Hà Nội và học tập kinh nghiệm của Hà Lan trong phòng chống triều cường, xâm nhập mặn. Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng, trao đổi với PV Tiền Phong bên lề hội thảo khoa học toàn quốc bàn về ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ngày 25-11.

 >> TPHCM: Nguy cơ ngập nặng do thời tiết bất lợi
 >> Triều cường lớn nhất 10 năm qua
 >> TPHCM sắp có đợt triều cường lớn

Triều cường gây nhiều thiệt hại cho người dân ở TPHCM
Triều cường gây nhiều thiệt hại cho người dân ở TPHCM . Ảnh: Huy Thịnh

Ông Trần Ngọc Hùng cho biết:

Đợt này Chính phủ rất quyết liệt trong việc đề ra giải pháp ứng phó với BĐKH. Ở Việt Nam, ngoài Bộ TN&MT đến nay chưa bộ nào có kịch bản ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, tốc độ triển khai kịch bản này chưa đáp ứng yêu cầu. Tới đây các bộ NN&PTNT và Xây dựng cũng góp phần vào chương trình nghị sự về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lĩnh vực xây dựng chịu ảnh hưởng như thế nào của BĐKH, và giải pháp của ta là gì, thưa ông?

Khi nước biển dâng, rõ ràng hệ thống hạ tầng cơ sở, cấp thoát nước, đường ô tô, nhà cửa tại các thành phố ở vùng ven biển bị ảnh hưởng nên phải chỉnh lại quy hoạch các vùng đó.

Ông
Ông Trần Ngọc Hùng

Chẳng hạn như TP Hồ Chí Minh cuối năm 2009 trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành phố, trong đó có đề nghị chỉnh lại toàn bộ cốt san nền, ngừng thi công vùng trũng, chuyển toàn bộ lên phía Tây Bắc của thành phố.

Chúng tôi cũng đang cùng ngành xây dựng tính toán lại toàn bộ kết cấu nhà. Ví như ở Hậu Giang, Cần Thơ bây giờ phải tính đến yếu tố tốc độ gió bão trong xây dựng nhà, kể cả hệ thống giằng chống trên mái.

Đê điều cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng ghê gớm. Trước đê ngăn mặn cốt rất thấp nên nay bị xâm nhập mặn. Cách đây mấy tháng, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang đều bị nước mặn xâm nhập tới 25 – 30 km (trước kia chỉ 5 – 7km), ảnh hưởng đến hệ thống nước ngọt, tưới tiêu, nông nghiệp. Nay Chính phủ Việt Nam đang phối hợp Hà Lan xử lý tình huống tại những vùng ngập mặn.

Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống đê điều, đê bao cho TP Hồ Chí Minh, giống như hệ thống đê của TP Hà Nội. Có lẽ lần đầu tiên Việt Nam sẽ áp dụng hệ thống thoát nước có van một chiều, nghĩa là nước ngọt (nước mưa) thoát được, nhưng nước mặn thì tự động đóng lại, cái này là học tập kinh nghiệm của Hà Lan.

Đoàn Việt Nam vừa qua tham quan sang Hà Lan học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. 60% nước ngọt của họ thấp hơn mực nước biển. Họ có cửa chặn sông, điều khiển tự động. TP Hồ Chí Minh có làm như vậy không thì phải tính toán.

Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với vật liệu chống BĐKH. Ông có đóng góp gì không?

Đây chính là vấn đề chúng ta phải kiến nghị trong thiết kế nhà chống khí nhà kính. Những tiêu chí để xếp loại đô thị phải bao gồm nhà trong đô thị đó phải sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng tối đa không khí để gió vào nhà, sử dụng tối đa ánh sáng mặt trời…

Tới đây chúng tôi sẽ ứng dụng rất nhiều sáng kiến, nghiên cứu mới về vấn đề này. Ví dụ Hội Đập lớn đang phát triển đập sà lan di động và được trao giải thưởng. Nếu áp dụng cho vùng nước mặn thì rất tốt.

Hà Nội cần phải có những đổi mới gì trong lĩnh vực xây dựng nhằm ứng phó với BĐKH?

Căn cứ vào kịch bản do Bộ TN&MT đưa ra, ảnh hưởng rõ rệt nhất ở Hà Nội là khô cạn. Hai tháng nữa chắc chắn chúng ta sẽ lội bộ qua sông Hồng, năm nay còn cạn hơn, mực nước dự báo ít đi 40%.

Các nhà khoa học đang đưa ra chương trình ngăn 3 đập tại Khuyến Lương, cửa biển và đầu sông Đuống để nước mùa mưa không chảy đi mà giữ lại, vừa chống hạn cho đồng bằng Bắc bộ, vừa giúp tàu thuyền đi lại được.

Chúng tôi cũng đang thực hiện nhiều thay đổi trong xây dựng cơ chế động đất, gió bão. Trước chỉ xây dựng cơ chế bão cho Hà Nội trong cấp 11 - 12, nay phải tính đến cấp 14-15. Nhà cửa cũng phải xây theo chuẩn gió mới, nếu không một trận bão là tan hoang hết.

Chắc chắn phải tham gia Chương trình thành phố xanh sạch đẹp, trong đó có tính tới rừng cây trong thành phố. Chúng tôi đang kiến nghị phải tăng ngay diện tích cây xanh trong quy hoạch thành phố 2030 – 2050.

Về thoát nước, các nhà khoa học kiến nghị áp dụng theo kiểu Malaysia. Như hiện nay chúng ta chờ nước chạy từ ga Hàng Cỏ, chạy xuống Ngã Tư Sở, rồi từ đó bơm đi thì không kịp. Thoát nước kém là do đã lấp gần hết ao hồ điều tiết. Do đó phải làm bể nhân tạo.

Bể này tại Malaysia kiêm đường hầm, kiểu như hầm Kim Liên nhưng to hơn, sâu hơn, khi mưa to thì đóng lại, ô tô đi bên trên, nước thoát bên dưới. Như thế nhanh hơn, khi mưa to, nước xuống ngay ngã tư Kim Liên, ngã tư Yên Sở chứ không phải chảy đi đâu nữa. Nếu làm được chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết được tình trạng úng ngập của Thủ đô.

Cảm ơn ông.

Mỹ Hằng
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG