TPHCM: 64,6% người dân muốn nói “không” với xe máy

TPHCM: 64,6% người dân muốn nói “không” với xe máy
Đây là con số thu được trong chương trình điều tra xã hội học do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM thực hiện trên 3.000 người về chủ trương hạn chế xe cá nhân.
TPHCM: 64,6% người dân muốn nói “không” với xe máy ảnh 1

Trên 3.000 phiếu điều tra được phát ra với câu hỏi: "Việc hạn chế phương tiện xe gắn máy có được anh (chị) hưởng ứng không?" đã cho kết quả: 64,6% người đồng ý; 19,8% người không đồng ý và 15,6% người không có ý kiến.

Về việc vận động cán bộ, công chức, công nhân viên nhà nước mỗi tuần đi làm bằng xe buýt 2 lần (đi, về, ngoại trừ người có con nhỏ ở nhà trẻ hoặc trường cấp 1 phải đưa rước), có 63,6% người đồng ý; 72,9% người đồng ý tiến tới những cơ quan, đơn vị đông người hoặc 2-3 cơ quan ở gần nhau tổ chức đưa rước cán bộ nhân viên bằng xe buýt hoặc các loại xe khác tùy theo đối tượng người đi.

Có 85,9% người đồng ý chủ trương các xí nghiệp có đông công nhân tổ chức đưa rước công nhân bằng xe buýt; 80,4% người đồng ý chủ trương tiến tới đưa rước học sinh từ mẫu giáo đến cấp 3 và sinh viên bằng xe buýt.

Như vậy phần lớn người dân được hỏi đồng tình với việc hạn chế phương tiện xe gắn máy, tuy nhiên vấn đề là chủ trương này sẽ được thực hiện bằng cách nào, theo lộ trình ra sao?

Tiến sĩ Hồ Hữu Nhựt, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, cho biết, ngoài việc điều tra ý kiến của người dân, trung tâm cũng đã tổ chức 2 cuộc hội thảo và 5 cuộc tọa đàm khoa học xoay quanh những vấn đề liên quan đến chủ trương lớn này.

Nhiều ý kiến cho rằng nên thu phí giao thông các loại xe mô tô, xe gắn máy vào thành phố song việc thực hiện rất khó. Cũng có ý kiến cho rằng, chỉ thu phí các loại xe này vào giờ cao điểm.

Trong khi đó, kết quả điều tra cho thấy có 41,2% người đồng ý lập các trạm thu phí xe gắn máy từ các tỉnh vào thành phố và 46% người không đồng ý.

Có 75,9% người cho rằng trên các tuyến đường chính nối TPHCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh cần xây dựng một số nhà chờ xe buýt có quy mô lớn kết hợp giữ xe gắn máy để chuyển khách bằng xe buýt vào nội thành.

Có nên hạn chế mức tăng số lượng ô tô cá nhân hay không? Nhiều đại biểu tham dự các cuộc tọa đàm cho rằng, nước ta ngày càng phát triển, việc mỗi gia đình có 1 hoặc 2 ô tô con là chấp nhận được, miễn là phải có bãi đậu xe, bằng lái xe, tuân thủ đúng pháp luật.

Một số ý kiến đề nghị đưa các trường đại học và một số trường cấp 3 ra xa khu vực trung tâm thành phố, bán đấu giá mặt bằng của trường trong nội thành để xây dựng trường mới hiện đại ở ngoại thành.

Tiến hành quy hoạch lại chợ, tiến tới cấm triệt để họp chợ cạnh đường phố, chiếm lòng đường, trục giao thông. Cần cấp tốc phát triển các đường vượt, cầu vượt ở các ngã tư, ngã ba có tình trạng "dồn túi giao thông". Tuyến đường nào thường hay ùn tắc giao thông thì có quy định hạn chế xe gắn máy giờ cao điểm.

Đa số các ý kiến cho rằng muốn hạn chế xe cá nhân phải đồng thời phát triển hệ thống xe buýt, các loại xe điện, metro, monorail.

Giám đốc Sở Giao thông - Công chính TPHCM - ông Hà Văn Dũng cho biết quan điểm của ngành giao thông công chính là sẽ phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng trước một bước, rồi mới đưa ra các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.