TPHCM: Bắt đầu thấy ngộp ôtô!

TPHCM: Bắt đầu thấy ngộp ôtô!
UBND TPHCM đã trình HĐND xem xét thông qua đề án “Tổ chức lại các hình thức đáp ứng nhu cầu đi lại trên địa bàn TP, giai đoạn 2005 - 2010”. Trong đó nhấn mạnh nội dung hạn chế xe cá nhân.

Đề án xác định đến năm 2010 hệ thống giao thông công cộng TPHCM phải đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu đi lại của nhân dân TP; kiềm chế tốc độ tăng và tiến đến khống chế số lượng các loại xe cá nhân trên địa bàn TP. Đến năm 2010 số người đi lại bằng xe buýt đạt được trên 3 triệu lượt người/ngày (hiện nay khoảng 450.000 lượt người/ngày).

Theo UBND TP, cần có ba giải pháp chủ yếu gồm:

Một là, tập trung đầu tư phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Trước năm 2010 khởi công xây dựng bốn tuyến metro, qui hoạch 270 tuyến xe buýt, xây dựng 10 hành lang ưu tiên dành cho xe buýt.

Hai là, vận động và tiến đến bắt buộc một số đối tượng phải đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng - chủ yếu là đối với công nhân. Từ năm 2007 trở đi các doanh nghiệp có từ 200 công nhân trở lên phải có 50% công nhân đi xe buýt. Năm 2005 có ít nhất 20% sinh viên đi học bằng xe buýt ở các trường ngoại thành.

Theo số liệu của Cảnh sát giao thông TP.HCM, từ đầu năm 2005 đến nay bình quân mỗi ngày có 75 ôtô các loại đến đăng ký mới, gần 1/4 trong đó là ôtô du lịch cá nhân (cả của người thường trú lẫn tạm trú; theo qui định hiện nay, diện KT3 vẫn được đứng tên đăng ký ôtô tại TP.HCM). Trong hai năm 2003 và 2004 mỗi năm có 22.000 ôtô các loại đăng ký mới. Hiện Phòng CSGT TP đang quản lý tổng cộng khoảng 250.000 ôtô (cùng với khoảng 2,4 triệu xe gắn máy).

Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô (VAMA), lượng ôtô tiêu thụ của 11 liên doanh trong sáu tháng đầu năm 2005 đạt hơn 16.100 chiếc, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2004.

Ba là, từ năm 2006-2007 nghiêm cấm học sinh (dưới 18 tuổi) các trường phổ thông sử dụng xe trên 50cm3. Khống chế tốc độ tăng ôtô con với qui định mỗi gia đình có hộ khẩu ở TP, có bằng lái xe và được xác nhận có chỗ đậu xe của chính quyền địa phương thì được đăng ký một xe...

Mỗi nhà một ôtô: phân vân

Trước đó, vào tháng 5/2005, thường trực HĐND TP đã tổ chức thăm dò 44 đại biểu HĐND về đề án này. Các đại biểu HĐND TP thống nhất cao với giải pháp phát triển mạnh vận tải hành khách công cộng, đồng thời có biện pháp giảm dần phương tiện lưu thông cá nhân (39 ý kiến).

Chung quanh việc hạn chế ôtô cá nhân, có 20 ý kiến không đồng ý với việc cho phép mỗi gia đình chỉ được đăng ký một ôtô con, 19 đại biểu đồng ý. Các ý kiến khác cho rằng không nên sử dụng biện pháp hành chính để hạn chế. Việc điều tiết cần áp dụng các biện pháp kinh tế (thu phí thật cao khi đăng ký, khi xe lưu thông vào trung tâm; luân phiên cho phép xe có số chẵn, lẻ lưu thông...) mang tính hiệu quả và khả thi cao, tạo quĩ xây dựng cầu đường, khu dân cư mới.

Một số đại biểu cho rằng không bắt buộc phải có giấy phép lái xe mới được đăng ký ôtô vì người dân có quyền thuê lái xe, hoặc không nên bắt buộc có hộ khẩu mới được đăng ký xe, nhưng người mua xe phải chứng minh được có chỗ để xe. Có ý kiến cho rằng tùy theo gia đình có nhân khẩu đông, có thể mua từ 1-2 xe.

Về giải pháp thu phí xe gắn máy, hơn 50% số đại biểu (25 ý kiến) đồng ý từ năm 2007 tổ chức thu phí giao thông chiều đi vào TP đối với môtô, xe máy hai bánh tại các trạm thu phí hiện có và 19 ý kiến không đồng tình. Các đại biểu khác cho rằng nếu thực hiện giải pháp này thì tăng cường xe buýt ở mọi tuyến đường và cần xây dựng các bãi giữ xe lớn tại các cửa ngõ TP để người dân tỉnh gửi xe và sử dụng xe buýt vào TP.

MỚI - NÓNG