TPHCM cấm tàu thuyền xuất bến, tránh bão Tembin

TPHCM cấm tất cả tàu thuyền ra khơi do bão Tembin
TPHCM cấm tất cả tàu thuyền ra khơi do bão Tembin
TPO - Để hạn chế thiệt hại do bão Tembin gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM yêu cầu thực hiện lệnh cấm biển, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền xuất bến; tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải khẩn trương vào bờ tìm nơi trú tránh an toàn kể từ 16 giờ ngày 23/12.

Chiều nay, 23/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM đã có công điện khẩn yêu cầu các phương tiện tàu thuyền chấp hành lệnh nghiêm cấm xuất bến trước diễn biến của bão Tembin kể từ 16 giờ ngày 23/12.

Các cơ quan chức năng và huyện Cần Giờ bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu và tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, sở - đáy, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trên và ven biển.

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán hơn 3.000 người dân xã đảo Thạnh An và các vùng trũng thấp ven biển, sông rạch đến nơi an toàn khi có lệnh của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo công điện này, TPHCM yêu cầu Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát PCCC và Công an Thành phố duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.

Cảng vụ Hàng hải Thành phố hướng dẫn, sắp xếp các tàu vận tải, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đi qua luồng hàng hải trên vùng biển Cần Giờ tìm nơi tránh trú, neo đậu an toàn.

Ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đã lên phương án di dời 5.000 người dân ở Cần Giờ, trong đó có 2.000 người từ xã đảo Thạnh An vào nơi an toàn, đồng thời bố trí ứng trực ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao.

TPHCM cấm tàu thuyền xuất bến, tránh bão Tembin ảnh 1

Đến 13 giờ ngày 24/12 năm 2017, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,6 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Đông. 

Theo Bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương: hồi 13 giờ ngày 23/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippin) khoảng 180km về phía Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và có khả năng mạnh thêm, như vậy khoảng đêm nay bão Tembin sẽ vượt qua phía Nam đảo Pa-la-oan (Philippin) và đi vào Biển Đông.

Đến 13 giờ ngày 24/12 năm 2017, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,6 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.  

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão. 

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h) và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 25 tháng 12 năm 2017, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,0 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 250-350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.