TP.HCM: Có hay không việc 'ém' thông tin nước mắm bẩn?

TP.HCM: Có hay không việc 'ém' thông tin nước mắm bẩn?
TP - Hàng chục mẫu nước mắm “ngậm” đường hóa học và phân urê ngoài danh mục cho phép nhưng Sở Y tế TPHCM vẫn không công bố danh tính các cơ sở vi phạm khiến người tiêu dùng lại hoang mang!

Sau khi Phòng Quản lý Vệ sinh An toàn Thực phẩm và Phòng Thanh tra thuộc Sở Y tế TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố tiến hành kiểm tra một số cơ sở sản xuất nước mắm để tìm những chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì đã phát hiện nhiều mẫu nước mắm chứa chất urê và đường hóa học.

Đến khi Đoàn này tiến hành xét nghiệm 39 mẫu nước mắm nhưng không nêu danh tính các cơ sở sản xuất thì kết quả cho thấy 27/39 mẫu có chứa chất urê- một chất độc hại ảnh hưởng đến thần kinh và sức khỏe con người.

Một cán bộ thuộc Phòng Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết gần như các nhà sản xuất đều dùng urê để ướp giữ cho cá tươi trong quá trình vận chuyển từ nơi đánh bắt về đến cơ sở sản xuất hoặc để làm tăng nồng độ đạm của nước mắm nên đã lạm dụng quá nhiều urê.

Tuy vậy, sau hơn 2 tháng thanh kiểm tra, đến nay đoàn mới chỉ thu hồi 5/27 mẫu vi phạm nói trên, 22 mẫu còn lại không thể thu hồi được do sai sót trong quá trình nhận mẫu đã không ghi lô hàng và ngày sản xuất, nên các mẫu này đang được tiến hành xét nghiệm lại?!

Trước đó, sau khi phóng viên ở các báo đã cùng đoàn kiểm tra trên đi mục sở thị các cơ sở sản xuất nước mắm ở địa bàn thành phố, gần như kết quả ghi nhận được là cơ sở nào cũng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất.

Tiêu biểu như ngay khi mục sở thị cơ sở nước mắm Tân Liên Hưng ở B7/39 ấp 2 Tân Phước, huyện Bình Chánh nhiều người gần như nôn mửa vì mùi hôi thối khó chịu của cơ sở này xộc thẳng vào mũi. 14 công nhân vẫn còn chế biến nước mắm, không có khẩu trang, áo quần bảo hộ; nơi phơi cá đến nơi sản xuất ra nước mắm thông qua một hệ thống ống dẫn rất mất vệ sinh, ruồi bám đầy trong ống và sản phẩm cá phơi.

Thậm chí, gián và một số côn trùng khác trong bồn chứa nước mắm. Tuy nhiên điều khiến người tiêu dùng lo lắng nguồn gốc cá sống hay cá nhập về bằng ướp u rê vẫn không được chủ cơ sở chứng minh được.

Có lặp lại “bổn cũ” như vụ nước tương “đen”?

Nước tương của Nosafood và Vitecfood lại “ dính” độc chất

Nguồn tin của Tiền phong ngày 2/8 cho biết, trong tờ trình số 40 của thanh tra gửi lãnh đạo Sở Y tế ngày 31/7 cho thấy nước tương cao cấp Sài Gòn và nước tương Ông Chà Và Sài Gòn của Cty cổ phần NOSAFOOD có hàm lượng 3- MCPD vượt mức cho phép theo phiếu kiểm xét nghiệm số 00506- và 005068 ngày 28/6 của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM.

Trong khi đó phiếu xét nghiệm KT3 -7215 TP7 ngày 17/7 của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho thấy nước tương cao cấp Chinsu có hàm lượng Natri Benzoat vượt giới hạn cho phép.

Ngày 31/7, Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đã có kết quả báo cáo khi tiến hành xét nghiệm các mẫu nước mắm của 24 cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn TPHCM đều có chứa chất u rê.

Cùng ngày, tại phòng ông Chánh thanh tra Sở Y tế đã có danh sách các cơ sở vi phạm trên tuy nhiên khi các báo đài yêu cầu công khai danh tính nhưng ông này lần lữa hẹn lại, không cung cấp.

Trong tờ trình số 40/TT-Ttra ngày 31/7 gửi cho ông Nguyễn Thế Dũng- Giám đốc Sở Y tế và ông Lê Trường Giang- Phó giám đốc Sở Y tế về vi phạm của các cơ sở sản xuất, chế biến nước chấm, Thanh tra Sở Y tế cho biết khi kiểm tra 28 cơ sở sản xuất nước mắm thì có 27 cơ sở vi phạm đều có chứa chất u rê và đường hóa học không được phép trong thành phẩm.

Thanh tra tiến hành kiểm tra đột xuất 5 cơ sở lập biên bản thanh tra và tạm đình chỉ hoạt động của cả 5 cơ sở, hiện đã ra quyết định xử lý 2 cơ sở với hình thức phạt tiền và buộc thu hồi tiêu hủy 2 lô hàng, còn 3 cơ sở thanh tra mời lên xử lý tiếp. Tuy nhiên, trong tờ trình này Thanh tra lại không nêu rõ đích danh các cơ sở vi phạm, loại lô hàng vi phạm và buộc thu hồi tiêu hủy như thế nào?

Trong tờ trình này Thanh tra cũng cho rằng còn 22 cơ sở do sơ xuất không gửi mẫu kiểm nghiệm không có niêm phong nên không đủ cơ sở pháp lý để xử lý. Vì vậy thành phẩm nước mắm có u rê của 22 cơ sở này vẫn ung dung tiêu thụ ra thị trường!

Trước thực tế đó, Sở Y tế TPHCM cho biết đã có công văn yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm trên địa bàn thực hiện kiểm nghiệm định kỳ tại phòng kiểm nghiệm có chức năng đối với sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường và nộp kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chất urê, đường hóa học, hàm lượng đạm và các chỉ tiêu đã công bố mới nhất trong thời hạn 6 tháng về Sở Y tế trước ngày 5/8/2007.

Tuy nhiên khi được yêu cầu cung cấp cho người tiêu dùng các cơ sở vi phạm thì Sở Y tế không cung cấp.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.