TP.HCM: Dân vẫn phải oằn lưng gánh các loại phí

TP.HCM: Dân vẫn phải oằn lưng gánh các loại phí
Thủ tướng đã có chỉ thị 24 bãi bỏ nhiều loại phí, lệ phí và nghiêm cấm việc lạm thu các loại phí không có trong qui định. Thế nhưng, tại TP.HCM người dân vẫn phải gồng mình đóng nhiều khoản phí, quĩ bất hợp lý.
TP.HCM: Dân vẫn phải oằn lưng gánh các loại phí ảnh 1
Người dân TP.HCM vẫn bị thu phí oan khi đăng ký hộ khẩu, CMND, hộ tịch...Ảnh: TT

Chị Lê Thị Thu Thảo, ngụ tại tổ 46, phường 6, quận 5, cho biết đại diện tổ dân phố nơi chị cư ngụ vừa đến từng nhà thu nhiều loại phí, đóng góp của năm 2008 bao gồm: tiền an ninh quốc phòng 60.000đ/hộ, vì người nghèo 10.000đ/hộ, đền ơn đáp nghĩa 10.000đ/hộ, xóa đói giảm nghèo 10.000đ/hộ, bảo trợ trẻ em 10.000đ/hộ, phòng chống lụt bão 4.000đ/người.

Tổng cộng các khoản phải đóng theo giấy báo của tổ dân phố đối với gia đình chị là 113.000 đồng. Chưa kể khoản thu thứ bảy là quĩ y tế được coi là khoản "tự nguyện".

Chị Thảo cùng một số hộ khác thắc mắc vì nghe nói nhiều khoản phí đã được bãi bỏ thì được lãnh đạo phường giải thích: đó là các khoản thu không thuộc danh mục các loại phí được bỏ theo chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy vẫn bắt buộc!

"Tự nguyện" nhưng… bắt buộc phải đóng

Theo chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ, người dân chỉ phải đóng những khoản phí có tên trong danh mục tại nghị định 24/2006/NĐ-CP bao gồm các loại phí do Chính phủ, Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh ban hành.

Chấm dứt việc thu các khoản đóng góp (nhất là đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng) không phù hợp thu nhập của người dân, những khoản đóng góp chưa được lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng trước khi ban hành, những khoản huy động mang tính xã hội từ thiện nhưng lại qui định bắt buộc phải thu.

Nhiều hộ dân tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú cũng cho biết vừa phải đóng bảy khoản thu năm 2008 theo thông báo của phường. Trong đó có sáu khoản tương tự các khoản thu tại phường 6, quận 5, chỉ khác khoản thứ bảy có tên là "quĩ khuyến học".

Nhiều phường khác tại quận Tân Bình, Thủ Đức, Bình Thạnh, 12... cũng cử người tới từng tổ dân phố thu các loại phí, quĩ đóng góp nhưng mỗi nơi mỗi khác: có phường chỉ thu tiền an ninh quốc phòng, có phường thu thêm các loại phí khác...

Tuy mỗi loại phí chỉ vài chục ngàn đồng/hộ/năm hoặc 4.000-5.000đồng/người/năm, nhưng cộng tất cả khoản đóng góp thì hộ nào cũng phải bỏ ra trên 100.000 đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại phí như an ninh quốc phòng, phòng chống lụt bão, bảo trợ trẻ em, xóa đói giảm nghèo... chỉ là các loại quĩ vận động đóng góp từ người dân, không phải là các khoản phí bắt buộc theo danh mục các loại phí mà Chính phủ qui định (tại nghị định 24/2006/NĐ-CP).

Trong đó, riêng phí an ninh quốc phòng được thu theo quyết định 96 của UBND TP từ năm 2001 ban hành kèm theo pháp lệnh dân quân tự vệ 1996 đã hết hiệu lực (thay thế bằng pháp lệnh dân quân tự vệ năm 2004).

Ông Nguyễn Đình Lộc, ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, nói: "Chúng tôi không hề biết các loại phí, quĩ mà phường thu là khoản đóng góp tự nguyện vì năm nào cũng bị tổ dân phố đến thu, hộ nào cũng buộc phải đóng theo mức như nhau. Đóng trễ là có người tới thu hoài...".

Gánh nặng đối với người nghèo

Trước tình trạng người dân phải chịu quá nhiều khoản phí, lệ phí, các khoản đóng góp tràn lan, chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay những khoản thu không có trong danh mục qui định.

Chỉ thị 24 nêu rõ: đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. HĐND, UBND các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng...

Thủ tướng cũng yêu cầu phải chấm dứt ngay các khoản thu trái qui định trước ngày 1-12-2007, nhưng đến nay người dân TP vẫn bị thu những khoản phí vô lý. Hiện nay khi giá cả leo thang, cuộc sống của nhiều người lao động khó khăn hơn thì việc phải gánh thêm những đóng góp bắt buộc cho các quĩ mang tính "tự nguyện", huy động này càng làm oằn thêm vai của những người dân nghèo.

Nhiều người cho biết không trốn tránh việc đóng góp cho quĩ từ thiện hiếu học nhưng việc huy động các quĩ này cần thực hiện đúng theo nguyên tắc tự nguyện, linh động tùy theo khả năng thu nhập của các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, để sửa đổi bất hợp lý trong việc thu phí đối với các công việc mà các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phải lo cho người dân (đăng ký khai sinh, khai tử, làm chứng minh nhân dân...), chỉ thị 24 cũng bãi bỏ bốn loại phí, lệ phí thuộc danh mục phải thu của nghị định 24 gồm: phí an ninh trật tự, phí phòng chống thiên tai, lệ phí đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân (làm lần đầu) và lệ phí địa chính (khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực nông thôn).

Tuy nhiên đã nhiều tháng qua, bên cạnh việc tiếp tục phải đóng các khoản phí, quĩ không có trong danh mục được thu thì người dân TP.HCM cũng phải bị thu phí với những khoản mà nhiều địa phương khác đã bãi bỏ theo chỉ thị 24: lệ phí khai sinh, khai tử, kết hôn, đăng ký chứng minh nhân dân, làm sổ hộ khẩu gia đình...

Chưa hết, ngày 25-2-2008, Bộ Tài chính cũng đã ban hành quyết định số 2091 để hướng dẫn cụ thể việc miễn các loại phí, lệ phí theo chỉ thị 24. Thế nhưng kể từ khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính đến nay đã gần một tháng, nhưng UBND TP vẫn chưa ban hành văn bản triển khai chỉ thị 24. Vì vậy người dân TP vẫn đang bị thu những khoản phí, lệ phí trái qui định một cách khó hiểu.

Trên cấm, dưới vẫn thu

Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Trung vừa yêu cầu các địa phương trong tỉnh khẩn trương kiểm tra tình hình thu phí, lệ phí, thu vận động đóng góp không đúng qui định trên địa bàn. Những xã, phường tổ chức thu và vận động thu sai qui định của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh phải được xử lý nghiêm túc và tổng hợp các sai phạm báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-4.

Theo ông Trung, thời gian gần đây có một số hộ dân ở huyện Chợ Gạo, Cái Bè, Cai Lậy... trực tiếp đến văn phòng UBND tỉnh phản ảnh chính quyền tổ chức thu các loại phí, lệ phí và vận động nhân dân đóng góp không đúng qui định.

Sau đó, chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo nghiêm cấm hình thức vận động dân đóng góp mang tính chất bắt buộc, nhưng hiện nay nhiều địa phương vẫn không chấp hành. Cụ thể là xã Hậu Thành (huyện Cái Bè) gửi giấy mời dân đến "làm việc" yêu cầu đóng "tiền đầu công", nếu không đóng thì xã không thu thuế nhà đất đã phát giấy báo trước đó.

Xã Nhị Quý (huyện Cai Lậy) ngoài thông báo bắt dân đóng "tiền đầu công" mức 500.000 đồng/ha, còn có thêm loại "tiền đầu xe" (nhiều địa phương đã bỏ) với định mức 50.000 đồng/xe gắn máy. Một số xã ở huyện Chợ Gạo họp dân thông báo ai không nộp "tiền đầu công" thì xã sẽ "vận động" đến khi nào nộp thì thôi!

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG