TP.HCM: Đề xuất cấm xe ngoại tỉnh

TP.HCM: Đề xuất cấm xe ngoại tỉnh
TP - Sử dụng nhiều biện pháp mạnh, kể cả ngăn cấm xe biển số tỉnh thành khác lưu thông nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM là đề xuất của nhiều đại biểu tại hội nghị chuyên đề Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt.

Hội nghị do Thường trực Hội đồng Nhân dân TPHCM tổ chức sáng 24/3.

TP.HCM: Đề xuất cấm xe ngoại tỉnh ảnh 1
Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân (thứ ba từ trái sang) kiểm tra chất lượng dịch vụ xe buýt. Ảnh: Hồng Hạnh

Theo TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, thành phố không nên tăng giá vé xe buýt trong năm 2009 vì hơn 60 phần trăm hành khách sử dụng xe buýt là sinh viên, học sinh nghèo.

“Thành phố nên soạn thảo các phương án táo bạo hơn, quyết liệt hơn. Nếu các biện pháp sẵn có vẫn không giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT), tôi đề nghị UBND thành phố xem xét đến phương án cấm xe biển số tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn TPHCM. Nếu làm được, số lượng phương tiện cá nhân hiện nay có thể giảm đến một phần ba” -  Ông Sen nói.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân lắc đầu: “Khó thực hiện lắm. Mình cấm họ, lỡ họ cũng cấm lại mình thì sao”.

Trao đổi với Tiền Phong, TS Võ Văn Sen cho biết, thay vì cho phép xe biển số tỉnh lưu thông, TPHCM có thể xây dựng các bãi đỗ xe lớn tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Người dân các tỉnh có thể gửi xe tại các bãi nói trên rồi đón xe buýt vào nội thành. Trong thời gian lưu trú, việc đi lại trong nội ô thành phố của họ sẽ do các phương tiện giao thông công cộng đảm nhận.

Đừng đổ trách nhiệm lên dân

Ông Trương Trọng Nghĩa  - nguyên Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại & Đầu tư TPHCM bức xúc: Một số báo cáo của cơ quan chức năng có xu hướng kết án, quy chụp người đi xe máy là nguyên nhân gây nên UTGT. Hàng triệu người phải đi xe máy vì đó là phương tiện linh hoạt và tiện lợi nhất hiện nay. Cơ quan quản lý nên tự hỏi vì sao nhiều người thà bắt xe ôm, giá đắt gấp nhiều lần chứ không chịu đi xe buýt. Đó là vì xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu.

TS Võ Văn Sen nhấn mạnh: Tôi có cảm giác cơ quan chức năng chưa đi đúng vấn đề. Hiện nay, taxi đã lên tới gần 37.000 chiếc và tiếp tục bùng nổ. Hạn chế xe máy, nâng chất lượng xe buýt mà không có biện pháp hạn chế taxi, ô tô cá nhân thì tôi e rằng thành phố đang mắc sai lầm rất lớn.

“Mục tiêu hướng tới năm 2012 có 6,2 phần trăm người dân TPHCM đi xe buýt là không thể chấp nhận được vì đến năm 2013, xe buýt vẫn là phương tiện vận tải công cộng chủ lực phải phấn đấu đến năm sau, tỷ lệ này là 10 phần trăm. Để đạt được, thành phố cần nâng cao chất lượng xe buýt, tổ chức quản lý điều hành hiện đại hơn và cần sớm sáp nhập các HTX nhỏ lẻ, yếu kém thành các doanh nghiệp cổ phần có tiềm lực mạnh, chuyên nghiệp” - Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhấn mạnh. 

"Hà Nội chật chội hơn TPHCM nhưng vẫn bố trí được ba trạm trung chuyển xe buýt còn TPHCM thì không. Có lẽ vì vậy mà xe buýt ở Hà Nội luôn đông khách, kể cả vào lúc thấp điểm.

Còn ở TPHCM, nhiều người dân chụp được ảnh 5 - 6 xe buýt vào giờ cao điểm nối đuôi ở các giao lộ, trên xe trống rỗng, dân gọi đó là những lô cốt di động. TPHCM nên học tập Hà Nội"

Bà Ngô Minh Hồng
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM

MỚI - NÓNG