TPHCM : Đề xuất di dời trung tâm hành chính

TPHCM : Đề xuất di dời trung tâm hành chính
TP - Di dời trung tâm thành phố về Thủ Thiêm hoặc... huyện Củ Chi - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu đối với bài toán ngập úng và sự quá tải về hạ tầng giao thông trong phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ 12 HĐND TPHCM khóa VII diễn ra vào ngày 5/12.
TPHCM : Đề xuất di dời trung tâm hành chính ảnh 1
Giám đốc Sở GTCC Trần Quang Phượng (thứ 2 từ phải qua) tranh thủ “hội ý” trước khi đăng đàn trả lời chất vấn - Ảnh :LT

Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Phương Thảo băn khoăn: “Hình như chúng ta “kẹt” luôn giải pháp chống ngập úng, kẹt xe? Thực tế cho thấy băn khoăn của bà Thảo là có cơ sở.

Năm 2006, TPHCM chỉ có 33 điểm ùn tắc giao thông (UTGT) nhưng sang năm 2007, đặc biệt từ tháng 9/2007 đến nay, tình hình UTGT gia tăng đột biến với 54 điểm “nóng”.

Số lượng phương tiện giao thông cá nhân đăng ký mới không ngừng tăng và đặt TPHCM đứng trước nguy cơ “không đủ diện tích mặt đường để xếp xe chứ đừng nói đến lưu thông”.

Tình trạng ngập úng cũng “đen tối” không kém với số điểm ngập trong năm 2006 là 85 điểm; sang năm 2007 giảm được 7 điểm nhưng lại… phát sinh thêm nhiều điểm ngập mới cộng với hàng loạt khu vực bị chìm trong lũ mỗi đợt triều cường dâng cao.

Trong khi đó nhiều giải pháp mà Sở GTCC và cả một số đại biểu HĐND thành phố đề xuất đều không đạt được sự đồng thuận vì thiếu tính khả thi.

Về phân luồng giao thông, đại biểu Nguyễn Văn Hiên cho rằng cứ mỗi lần thực hiện phân luồng là kẹt xe do bố trí luồng tuyến không hợp lý mà đơn cử là phân luồng lưu thông từ 2 chiều sang 1 chiều đối với đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Kiệm, tình trạng UTGT lại xảy ra nghiêm trọng hơn ở một số khu vực lân cận.

“Tại sao không có biện pháp mạnh và “tuyên chiến” đối với xe máy – thủ phạm chính gây ra ùn tắc giao thông ?” – đại biểu Võ Văn Sen gợi ý. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị phản đối kịch liệt.

Theo hầu hết đại biểu, trong khi hệ thống xe khách công cộng chưa phát triển tương xứng, xe máy là phương tiện đi lại, mưu sinh và là chọn lựa duy nhất của người dân. Thu phí lưu hành xe máy cao sẽ càng tạo thêm áp lực đối với người nghèo.

Di dời trung tâm thành phố về Thủ Thiêm hoặc... huyện Củ Chi

Trả lời chất vấn của nhiều đại biểu vì sao TPHCM không dự báo quy mô dân số, không xây dựng cốt nền chuẩn cho các khu vực để giải quyết bài toán UTGT và ngập úng ngay từ đầu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín cho biết việc dự báo là không khó nhưng cái khó là làm thế nào để thực hiện đúng như dự báo vì nhiều biện pháp quản lý vượt tầm của thành phố.

Cốt lõi của hai bài toán dân sinh này là tình trạng quy hoạch (QH) chậm. QH chung của TPHCM đang được các bộ, ngành thẩm định trước khi trình Thủ tướng phê duyệt làm cơ sở cho TPHCM xây dựng QH chi tiết 1/5000 và 1/2000.

Có 1/5000 mới xây dựng được cốt chung và có 1/2000 mới làm được cốt chuẩn cho từng vùng. “Nếu chờ Trung ương thì thời gian kéo dài nên vừa qua TPHCM cùng làm song song, vừa làm QH chung, vừa căn cứ vào đó làm các QH chi tiết nên dự kiến đến quý 1/2008 sẽ hoàn tất” – Ông Tín cho biết.

Đại biểu Phạm Minh Trí gợi ý: Thay vì quy hoạch các khu đất vàng thành ô phố và xây dựng cao ốc, càng thu hút nhiều người đổ vào trung tâm thì tại sao thành phố không tính đến việc di dời trung tâm hành chính ra bán đảo Thủ Thiêm hoặc khu vực ngoại thành để kéo dãn mật độ dân tại khu vực trung tâm hiện nay nhằm giải quyết bài toán quá tải về hạ tầng đô thị?

Theo ông Trí, TPHCM nên tính toán và sớm có phương án di dời một số cơ quan hành chính quan trọng, khối lượng công việc lớn nhưng lại không cần thiết phải nằm trong lõi trung tâm như Sở GTCC, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch- Kiến trúc, … sang khu vực Thủ Thiêm hoặc vùng ven để phân tán dòng người đang có xu hướng tập trung về khu vực trung tâm.

Đồng tình với đề xuất này, đại biểu Phạm Văn Hải phân tích: Thay vì phải đổ hàng chục tỷ USD để giải quyết tình trạng UTGT và ngập úng cho khu vực nội thành (nhưng chưa chắc đã hiệu quả), tại sao thành phố không chọn khu vực cao ráo và thưa thớt hơn (như huyện Củ Chi chẳng hạn) để đặt trung tâm hành chính mới.

“Không những không bị ngập và UTGT, việc xây dựng trung tâm hành chính tại đây cũng hết sức dễ dàng và rẻ vì là đất nông nghiệp, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng rất thấp” - Ông Hải nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.