TPHCM di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch: Bối rối sinh kế

TPHCM di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch: Bối rối sinh kế
TP - Được chuyển về nơi tái định cư cao ráo, sạch sẽ, không còn cảnh muỗi cắn, nước bẩn mỗi khi triều cường lên, nhưng, tìm kế sinh nhai vẫn là nỗi lo đau đáu của nhiều người dân nơi đây.
TPHCM di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch: Bối rối sinh kế ảnh 1

Người dân gom ve chai để trước hành lang chung cư xã hội Tân Mỹ (quận 7).

Sau nhiều năm sống trong các khu nhà “ổ chuột” ven rạch Ụ Cây (phường 10, quận 8, TPHCM), cuối năm 2010, hàng trăm hộ dân ở đây được tái định cư, thoát khỏi cảnh sống trong những khu nhà ẩm thấp ven kênh ô nhiễm. Các hộ được chính quyền tạo điều kiện thuê, mua nhà trả góp để ổn định cuộc sống. Trong đó, cư dân xóm nước đen ở Rạch Ụ cây (phường 10, quận 8) được tạo điều kiện thuê hoặc mua trả góp chung cư xã hội An Sương (quận 12) và Tân Mỹ (quận 7).

Bà Hồ Thị Bông (ngụ chung cư Tân Mỹ) cho biết: “Lên đây ở thì sướng thiệt đó. Thoát khỏi cảnh sống trong khu “ổ chuột”, không còn cảnh dưới kênh nước đen nồng nặc mùi hôi của rạch Ụ cây. Gia đình tôi được sống trong cảnh khô ráo, sạch sẽ thế, nhưng suốt bao năm qua, tìm kế sinh nhai vẫn là nỗi lo đau đáu”.

Theo bà Bông, từ khi lên chung cư này, mấy đứa con bà phải lặn lội ngược về nơi ở cũ để mưu sinh vì quen ở đó. Bà và chồng thì già cả nên không thể đi xa được, đành ở nhà chăm coi mấy đứa cháu. Bà kể, nhiều người chưa quen với việc ở tập thể nên có nhiều việc phiền toái. Dân sống ở quận 8 làm nghề đồng nát, ve chai. Khi chuyển lên đây ở, họ cũng giữ cái nghề này. Đồng nát, ve chai họ đưa luôn lên chung cư, để trước hành lang vừa gây mất vệ sinh, vừa cản lối đi chung. Ban quản lý nhắc nhở hoài nhưng họ vì sinh kế nên cứ làm liều.

Không khá hơn là mấy, bà Trương Thị Hương (48 tuổi, bán bánh mì ở chung cư Tân Mỹ) cho biết, sau khi được nhận tiền bồi thường, gia đình bà mua nhà trả góp ở chung cư này để ở. Chỗ ở thì tốt hơn trước nhưng công việc buôn bán phải dừng lại. Giờ không thể đi xa buôn bán được nữa, hàng ngày bán xe đẩy bánh mì ở tại chung cư để trang trải cuộc sống.

“Hồi trước ở dưới đó còn buôn gánh bán bưng đồng ra đồng vào, từ khi chuyển lên đây không buôn bán gì được. Chỗ này là khu tái định cư, dân cư ở vẫn còn thưa thớt, khó buôn bán. Tìm nguồn thu nhập không dễ, buộc lòng tôi phải trở về quận 8 buôn bán, tối mới về đây ngủ”, bà Hoa nói.

Nợ tiền thuê nhà đầm đìa

Suốt 7 năm qua, các hộ dân ở chung cư xã hội An Sương (quận 12) vẫn chưa đồng ý trả tiền thuê nhà. Mỗi hộ nhẩm tính cũng nợ cả trăm triệu đồng. Theo người dân, cuộc sống bấp bênh trong khi tiền thuê nhà cứ tăng lên liên tục trong suốt 7 năm qua, đến nay mỗi tháng tiền thuê nhà đã 3-4 triệu đồng. Con số này quá cao so với “lời hứa” lúc họ vào ở.

Ông Nguyễn Văn Lình (57 tuổi, ngụ chung cư An Sương) cho biết, hồi đó ông được bồi thường gần 25 triệu đồng, quay qua quay lại đã hết sạch nên không còn tiền mua nhà trả góp. Gia đình ông được cho thuê chung cư xã hội An Sương từ đó đến nay đã được 7 năm. Đến giờ, tiền thuê nhà đã lên đến con số trăm triệu, gia đình còn nợ nhà nước. Vừa rồi, ông lên làm việc với chính quyền quận 8, họ cho biết, để được mua nhà trả góp, ông phải trả đủ tiền thuê nhà trong 7 năm qua. Ông bảo, giờ lấy tiền đâu mà trả chứ đừng nói đến chuyện mua nhà trả góp mỗi tháng gần 10 triệu đồng.

Hiện nay, tại chung cư xã hội An Sương, nhiều hộ dân đã chuyển nhượng hoặc cho thuê lại chung cư, bỏ đi nơi khác sinh sống. Số ít hộ còn lại bám trụ cũng trong cảnh “sống dở chết dở” bởi cứ mãi loay hoay tìm việc làm có thu nhập ổn định.

Bà Võ Thị Hoan (Tổ phó tổ tự quản số 18, chung cư An Sương, quận 12) cho biết: Các hộ dân ở rạch Ụ Cây nhận tiền bồi thường, về chung cư tái định cư thuê với giá rẻ. Tuy nhiên, người dân sống được nhờ buôn bán nhỏ lẻ, giờ lên đây chẳng biết làm gì. 87 hộ đã bỏ đi nơi khác, đến nay, tổ của bà chỉ còn lại 39 hộ.

MỚI - NÓNG