TPHCM di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch: Chồng chất nỗi lo vượt cạn

TPHCM di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch: Chồng chất nỗi lo vượt cạn
TP - Theo kế hoạch, TPHCM sẽ thực hiện dự án di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch nhằm tổ chức lại cuộc sống cho người dân tốt hơn, làm đẹp đô thị dọc các bờ kênh trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, trước dự án di dân quy mô lớn này, các chuyên gia, người dân vừa mừng vừa lo trước bài toán mưu sinh….

Dọc các con kênh ở khu vực quận 4, 7, 8 của TPHCM là những dãy nhà chắp vá, mái tôn lụp xụp, chênh vênh trên mặt nước đen ngòm, bên dưới chuột chạy thành đàn, muỗi kêu như... sáo thổi.

TPHCM di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch: Chồng chất nỗi lo vượt cạn ảnh 1 Những chòi được gọi là nhà giăng kín ven kênh (ảnh lớn); Cận cảnh nội thất một căn chòi. Ảnh: PV.

Sống chung với ô nhiễm

Dòng nước dưới kênh ô nhiễm nặng bởi rác thải sinh hoạt của người dân vứt xuống. Nhiều cây cầu “tõm” mọc lên chi chít dọc các con Kênh Tẻ (quận 7), kênh Đôi (quận 8)...

Khi triều cường rút, dưới đáy kênh toàn là rác thải từ bao nylon, đến xác động vật,… bốc mùi hôi thối. Anh Nguyễn Ngọc Hùng (48 tuổi, quận 7) cho biết, ngày trước, nước dưới kênh Tẻ trong trẻo và sạch sẽ nhưng mấy năm nay, con kênh bị ô nhiễm nặng không làm gì được.

Ngoài rác thải của những hộ dân sống dọc con kênh này, những cây cầu “tõm” càng làm cho nước kênh ô nhiễm. Theo anh Hùng, dù biết gây ô nhiễm nhưng cực chẳng đã mới xây dựng cầu “tõm” như thế này, vì nhà sàn dưới kênh lấy đất đâu xây nhà vệ sinh kiểu đô thị.

Ô nhiễm vây quanh. Nhà ở chật chội với hàng chục nhân khẩu hai, ba thế hệ trong gia đình. Phần lớn người dân cảm nhận được sự gian khó, bấp bênh và nỗi lo nhà sụp xuống kênh bất cứ lúc nào. Nhiều người mong muốn có một căn nhà tử tế để yên ổn làm ăn.

TPHCM di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch: Chồng chất nỗi lo vượt cạn ảnh 2 Dòng nước dưới kênh ô nhiễm nặng, những căn nhà lấn chiếm kênh rạch.

Về đâu?

Khi biết chủ trương TPHCM chuẩn bị cho cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay với hơn 20.000 hộ dân dọc các kênh rạch, nhiều người nửa mừng, nửa lo.

“Mừng vì sắp có chỗ ở tử tế, thoát khỏi cảnh nước ngập, hôi thối, rác rưởi với rình rập bệnh tật. Nhưng lo vì nếu lên chung cư ở tiền đâu đóng tiền nhà… Ở đây, tuy nhà cửa lụp xụp nhưng có chỗ chui ra chui vào, ngày ngày đi lượm ve chai, bán rổ rau cũng đủ ăn chứ lên chung cư thì lấy gì ăn?”, ông Huỳnh Văn Quý (77 tuổi, phường 9, quận 8) lo lắng.

Ông Quý cho biết, gia đình ông ở đây đã hơn 60 năm qua. Căn nhà ông đang ở có chiều dài 16m, trong đó một nửa là dưới kênh. “Ở vậy mấy chục năm rồi, nhiều lúc trời mưa, nước lớn mà có tàu thuyền chạy qua, sóng đánh mạnh là căn nhà lại lắc lư như võng. Nhiều hôm nửa đêm đang ngủ giật mình vì tiếng rung lắc phía dưới, tưởng nhà sập”, ông Quý kể.

Cũng như ông Quý, gia đình bà Nguyễn Thị Liên (63 tuổi) với 5 thành viên sống chung trong căn chòi ọp ẹp dưới chân cầu Dừa (phường 2, quận 4). Hàng ngày bà Liên ở nhà giữ hai đứa cháu ngoại. Con cái thì người đi làm phụ hồ, người đi rửa bát thuê kiếm sống hàng ngày.

Nơi gia đình bà Liên tá túc không phải là nhà mà chỉ là một căn chòi được ghép bởi nhiều tấm tôn cũ kỹ, lơ lửng trên mặt kênh. Những tấm bìa cát-tông được bà lượm ngoài đường về treo lên cho bớt nóng.

Căn chòi chưa đầy 10m2 chứa đủ thứ vật dụng từ xe cộ đến nơi nấu nướng, ăn ngủ và “nhà cầu”, chuột chạy rầm rầm như chốn không người. “Dù muốn có một căn nhà kiên cố để sống ổn định nhưng điều kiện gia đình quá khó khăn không thể chuyển đi nơi khác”, bà Liên nói.

TPHCM di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch: Chồng chất nỗi lo vượt cạn ảnh 3 Người dân vất vả mưu sinh.

Cơ quan chức năng nhiều lần đến đo đạc khu vực nhà của các hộ dân. Ông Nguyễn Văn Bằng (52 tuổi, phường 3, quận 8) cho hay, nói chuẩn bị giải tỏa nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa thấy. Thậm chí, hiện nay chính quyền địa phương đang thu tiền của các hộ dân để nâng đường. “Họ mới thông báo thu mỗi hộ 2 triệu đồng để nâng đường dọc bờ kênh này. Đang chuẩn bị giải tỏa để di dời mà lại nâng đường làm gì không hiểu nổi”, ông Bằng cho hay.

Về việc thành phố chuẩn bị di dân, ông Bằng cho rằng, nếu bắt buộc đi thì có thể gia đình ông sẽ về quê chứ cũng chưa biết đi đâu, về đâu. Căn nhà cũ không được đẹp nhưng có công việc ổn định. Hàng ngày ông mua đồ điện cũ về tháo lấy phụ tùng bán kiếm lời nhiều năm qua. Các mối làm ăn của ông cũng nằm ở khu vực quận 8.

Ông Bằng bày tỏ, nếu di dời vào chung cư ở thì sẽ mất mối làm ăn: “Ở đây tôi còn có mối buôn bán đồng nát chứ đi nơi khác ở thì lấy gì sống?”.

MỚI - NÓNG