TPHCM đón kiều bào về quê ăn Tết

TPHCM đón kiều bào về quê ăn Tết
Sáng 11/1, tại Khu Du lịch Làng Tôi, TPHCM, hơn 700 kiều bào từ nhiều nước về thăm quê hương nhân dịp Tết cổ truyền đã có buổi họp mặt đầu tiên để chuẩn bị đón Xuân Kỷ Sửu 2009 do Hội liên lạc với người VN ở nước ngoài TPHCM tổ chức.

Bà con Việt kiều đã có một buổi họp mặt trong không khí ấm áp tình quê hương, dân tộc - điều mà ở nước ngoài họ khó có được.

Năm nay bà con Việt kiều về từ Mỹ, Pháp, Úc, các nước EU… vẫn chiếm số đông nhất. Nhất là tại TPHCM có trên 700.000 người dân định cư tại Mỹ, nên Việt kiều năm nay từ Mỹ về vẫn chiếm đa số.

Ông Huỳnh Lai, 72 tuổi, Việt kiều từ Mỹ về tâm sự, năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Xuân về Tết đến, nếu không được về thăm quê là ông như thấy thiếu vắng một điều gì đó.

Ông bảo: "Cứ mỗi lần về, tôi mừng nhất là thấy Việt Nam và TPHCM lại đổi khác. Đi đâu tôi cũng thấy nhà cửa được xây dựng nhiều hơn và cao hơn, đường sá to đẹp hơn, sáng sủa hơn trước ngày giải phóng rất nhiều.

Tiện nhất là hàng hoá dồi dào, các cửa hàng phục vụ cho nhu cầu mua sắm rất đa dạng, và đủ mọi loại hàng hoá, nhất là khi vô các siêu thị, có thể mua các món từ 1 đồng, đến hàng tỷ đồng, đều có cả. Đó là điều bà con người Việt ở Mỹ không tưởng tượng ra ta lại (phát triển) nhanh đến thế”.

Dù đi xa ông vẫn luôn tâm niệm, về Tết để được cúng tổ tiên, ông bà, nhất là được tận hưởng hương vị Tết quê hương, ăn các món ăn dân tộc “Tôi thích có nồi thịt kho trứng gà, tôi thích ăn dưa hành, củ kiệu nên năm nào về Việt Nam, người nhà cũng chuẩn bị mấy món đó. Nhà tôi lúc nào cũng có câu đối đỏ do tôi tự viết nữa”.

Ông cho biết, dù con cái có làm ăn sinh sống ở đâu, ở Mỹ hay về Việt Nam đón Tết thì năm nào gia đình cũng tổ chức đón Tết theo đúng phong tục cổ truyền VN, là tập hợp cả nhà lại cùng ăn một bữa cơm, cùng chúc thọ cha, mẹ và nhận lời chúc phúc cũng như quà mừng tuổi của cha mẹ...

Nhưng dù đi đâu, ông vẫn thích ăn Tết ở Việt Nam hơn cả vì, “Về quê, ngoài tình cảm gia đình, còn bè bạn, còn không khí đón Tết của bà con xung quanh, kể cả cái lạnh cũng ấm, dễ chịu hơn ở nước ngoài. Cái không khí Tết ở quê nó lạ lắm, ở nước ngoài khó mà hình dung và có được”.

Ông Phan Thành - Việt kiều Canada, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng: "Sức sống mãnh liệt của Dân tộc Việt, người Việt luôn được thể hiện qua việc gìn giữ những giá trị tinh thần, dù đi đâu họ cũng giữ những truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại được truyền từ đời này sang đời khác…”.

Theo ông, “Tết quê hương luôn ấm áp, đậm đà, ở xứ người khó mà so sánh được. Ở bất cứ nước nào, chúng tôi vẫn có thể mua được những món hàng như ở Việt Nam – mà ở Mỹ, Canada… bây giờ, đó là một nhu cầu của bà con người Việt, nhưng không ở đâu có hương vị bằng ở quê hương mình, nhất là các món ăn VN”.

Thành phố nỗ lực tạo thuận lợi cho Việt kiều

GS TS Nguyễn Thuyết Phong, một nhà dân tộc nhạc học, Việt kiều từ Mỹ về thăm quê Trà Ôn – Vĩnh Long, cho chúng tôi biết, tại Mỹ cũng như nhiều nước châu Mỹ mà ông đã từng sang dạy đại học, tiềm năng chất xám của người Việt là rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực đất nước ta đang cần như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tính toán chính xác, cơ học… Song thông tin mà họ biết được về quê hương còn xa vời lắm.

Bây giờ các trang Web ở Việt Nam đã có nhiều, đỡ công tìm kiếm, chứ cách đây vài năm, muốn tìm hiểu một thị trường gì ở quê nhà, là phải đi tìm trong mạng người Việt tại nước ngoài, vừa không chính xác, vừa có khi lệch lạc trong cách nhìn về quê hương – đất nước.

Chủ tịch Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài TP - bà Lương Bạch Vân, cho biết, theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, tổng số vốn đầu tư của các DN Việt kiều trên địa bàn TPHCM đến nay là 972 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2008, theo thống kê chưa đầy đủ của UB này, đã có nhiều kiều bào trở về nước đầu tư kinh doanh các dự án nhỏ tại địa phương với số vốn khoảng trên 40 tỷ đồng với nhiều ngành nghề khác nhau, mà nhiều nhất là công nghệ thông tin, giáo dục, y tế...

Những vướng mắc của các DN Việt kiều về TP HCM đầu tư được Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo tiếp nhận và giải quyết sớm tại Văn phòng UBND TP cũng như Sở Kế hoạch & Đầu tư, các Sở, ban ngành liên quan, mà Sở Ngoại vụ và UB về người VN ở nước ngoài TP là 2 đầu mối tham mưu trực tiếp cho Thường trực UBND TP để giải quyết những vướng mắc của các DN Việt kiều. Nhờ vậy, rất nhiều DN đã thành đạt nhanh, vững chắc, như Tập đoàn Tân Tạo và một số ngân hàng thương mại…

Đến nay, dù cuộc sống của bà con ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều người vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, xã hội của TP như tham gia quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ bảo vệ người tàn tật, cứu trợ đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ vốn làm ăn, sửa chữa nhà ở cho các hộ quá nghèo…, với kinh phí khoảng trên 6 tỷ đồng.

Theo bà Lương Bạch Vân, sắp tới Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP sẽ liên kết với các tổ chức, trường đại học, Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Doanh nghiệp… để phát huy tiềm năng của các trí thức và doanh nhân kiều bào.

UBND TP đã cho chủ trương thành lập “Trung tâm hỗ trợ kiều bào” để phát huy cao nhất tiềm lực của các trí thức, doanh nhân kiều bào và tăng cường giúp đỡ bà con khi về nước, tổ chức các hoạt động gắn kết kiều bào với trong nước, đa dạng hóa các hình thức tập hợp.

Thường trực UBND TP trong tuần qua đã cho chủ trương áp dụng mức lương, phụ cấp cho các nhà khoa học từ nước ngoài về nước làm việc, với mức từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Đây tuy chỉ là số nhỏ so với thu nhập của các giáo sư, tiến sỹ người Việt tại các nước, song nếu so với đất nước VN, khung giá cả sinh hoạt của VN, thì đó là một chủ trương cụ thể, thiết thực, nỗ lực để có nhiều ưu đãi khi các nhà khoa học người Việt từ các nước về đóng góp trí tuệ, tài năng cho quê hương.

Xuân đang về, tại TPHCM, mỗi ngày đang có hàng chục chuyến bay từ Mỹ, Pháp, Anh, Úc… đưa các bà con kiều bào về đón Tết dân tộc. Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đón mỗi ngày trên 76 chuyến bay trong, ngoài nước, trong đó trên ½ là chuyến bay quốc tế.

Bà con kiều bào dù ở phương trời nào xa xôi về đón Tết, thì khi đặt chân lên mảnh đất cố quốc, đều không khỏi xao xuyến, bồi hồi, khi nghĩ rằng mình được trở về với một đất nước Việt Nam đang Xuân thắm mãi, như cành mai trong phòng chờ của sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất đang đón bà con về quê Tết Kỷ Sửu này.

Theo Phạm Bá Nhiễu
Quê hương

MỚI - NÓNG