TPHCM: Đường vừa nâng, khu đô thị mới ngập trắng sau mưa

TPHCM: Đường vừa nâng, khu đô thị mới ngập trắng sau mưa
TP - Không chỉ những khu phố cũ, các tuyến đường xuống cấp bị ảnh hưởng, nhiều tuyến đường vừa được sửa chữa, nâng cao nền cũng bị ngập sâu, sinh hoạt của cư dân tại một số khu đô thị mới đảo lộn sau cơn mưa như trút kéo dài gần ba giờ vào chiều 21/7.

Mưa lớn trùng với thời điểm triều cường trên sông Sài Gòn lên cao nên nước mưa không thoát kịp xuống kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè gây ngập úng trên diện rộng. Đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh) vừa được UBND TPHCM nâng cấp, mở rộng vào năm 2008 với kinh phí hơn 200 tỷ đồng bị ngập một đoạn gần một cây số. Nước dâng cao hơn nửa bánh xe khiến hàng loạt xe gắn máy bị chết máy.

Tương tự, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi (quận 3 và Phú Nhuận) vừa được đầu tư gần 1.000 tỷ đồng và đang triển khai giai đoạn hai cũng bị ngập sâu hơn nửa bánh xe. Nước tràn qua dải phân cách đổ xuống các con hẻm thấp trũng khiến nhiều căn nhà bị ngập đến lưng vách, có nơi sâu gần một mét khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân khu vực trung tâm thành phố bị tê liệt.

Tại khu đô thị mới Miếu Nổi (quận Bình Thạnh), đường Vũ Huy Tấn và nhiều tuyến đường nội ô đều bị ngập trắng. Nhiều nơi ngập sâu gần nửa mét khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Trong khi đó tại khu đô thị mới Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), đường Phan Xích Long (nối dài) và hàng loạt tuyến đường nội ô như Hoa Cúc, Hoa Hồng, Hoa Lan,… nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước. 

Mưa lớn kết hợp với giông, lốc xoáy đã làm nhiều cây xanh trên đường bị trốc gốc, gãy và tét nhánh, gây tai nạn cho người đi đường. Khoảng 13 giờ chiều cùng ngày, lốc xoáy làm bật gốc cây Sọ Khỉ có đường kính gần một mét trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Bến Thành, quận 1) chắn ngang giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Du.

Không chỉ gây ùn tắc giao thông, tại đây phần ngọn cây đè chị Phan Thị Thảo Trang (SN 1978, ngụ Gò Vấp) đang lưu thông từ đường Nguyễn Thị Minh Khai về ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương khiến chị Trang bị thương nhẹ.

Tự hại mình

Theo GS - TSKH Lê Huy Bá – Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý Môi trường, do vị trí thành tạo của đô thị Hồ Chí Minh mang đặc trưng “đô thị bán ngập triều” với hướng thoát lũ chính là bắc, tây bắc, đông bắc xuống nam, đông nam nên việc thành phố mở rộng đô thị hiện đại ở vùng Nam Đông Sài Gòn như Bình Chánh, Q.7, Nhà Bè, Cần Giờ, tức là chúng ta càng ngăn đường thoát nước của thành phố.

Những sai lầm trong quá trình đô thị hóa, mà cái chính là tác động của san lấp các khu vực thấp trũng ở Khu Nam Sài Gòn có chức năng làm hồ điều tiết, san lấp kênh rạch thoát nước để làm đường, nhà ở…. là những minh chứng rõ nét. 

Vì sao các tuyến đường vừa được nâng nền, các khu đô thị mới trong quá trình xây dựng đã lấy cốt nền chuẩn 1,45m (thay vì 1,30m như các khu đô thị cũ) đều bị ngập? Một chuyên gia thuộc Trung tâm Điều hành chống Ngập nước TPHCM lý giải, hai khu đô thị mới Miếu Nổi và Rạch Miễu, hiện trạng trước khi xây dựng là đầm lầy có diện tích trên 10 ha, có chức năng điều hòa, tích trữ hàng trăm nghìn mét khối nước.

 Việc san lấp để xây dựng các khu đô thị làm mất nơi trữ nước mưa trong khi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bị bồi lắng làm giảm khả năng tích nước mà hệ thống cống thoát nước thu gom, đổ ra kênh khiến nước thoát không kịp, gây ngập dù các công trình mới đều tuân thủ cốt nền chuẩn.

MỚI - NÓNG