TPHCM : Gần 4 triệu m2 sử dụng sai mục đích

TPHCM : Gần 4 triệu m2 sử dụng sai mục đích
Xử nghiêm mọi hành vi sử dụng lãng phí nhà đất công - Đây là kiến nghị của đại diện các sở, ngành TPHCM với Đoàn công tác của UB Kinh tế Quốc hội tại buổi làm việc chiều 14/7, về hiện trạng sử dụng nhà đất công của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

TPHCM : Gần 4 triệu msử dụng sai mục đích

Trên địa bàn TPHCM có 410 khu đất, với diện tích hơn 6,3 triệu m2 đã được giao cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Qua kiểm tra rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện chỉ có hơn 2,5 triệu m2 được sử dụng đúng mục đích.

Nhận định chung về kết quả thực hiện công tác sắp xếp, quản lý nhà đất công trên địa bàn thành phố thời gian qua, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo 09, cho biết: Các đơn vị do UBND Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, đã kê khai 8.433 địa chỉ nhà đất, với tổng diện tích hơn 136 triệu m2.

Riêng các đơn vị Trung ương đóng tại địa phương đã kê khai 2.102 địa chỉ nhà đất, với tổng diện tích hơn 96 triệu m2. Trên cơ sở nguồn nhà đất được kê khai này, ngân sách đã thu được 14.913 tỷ đồng từ việc chuyển quyền sử dụng 1.066 địa chỉ nhà đất; trong đó 6 tháng đầu năm 2009, số tiền thu về cho ngân sách địa phương 649 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong qua trình thực hiện, nhiều đơn vị đã cố ý không giao trả các cơ sở nhà đất mà giữ lại cho thuê trái phép. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Nhà nước của các Bộ, ngành đã không chấp hành đúng quy định về quản lý nhà đất công.

Kiến nghị với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng phải có chế tài xử lý công bằng và nghiêm minh đối với mọi hành vi vi phạm luật đất đai. Không thể chấp nhận tình trạng nhiều doanh nghiệp Nhà nước được thuê nhiều diện tích đất với giá rẻ như cho rồi đem cho thuê lại để thu lợi trái phép.

Khi bị phát hiện thì tìm cách “chạy” để không bị cơ quan chức năng thu hồi lại phần diện tích này; thậm chí khi thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường quyết liệt kiến nghị thu hồi thì viện cớ phải xin ý kiến cơ quan chủ quản để chây ỳ thực hiện.

Là địa phương có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nên nhiều nhà đất trước đây có giá trị thấp được giao cho các đơn vị với giá thuê nội bộ, nay trở thành nguồn lợi kinh tế lớn khi bị cho thuê mướn trái phép. Nếu không có cơ chế quản lý tốt thì Nhà nước sẽ thất thu.

Dẫn chứng cụ thể, ông Đào Anh Kiệt, cho biết trên địa bàn thành phố có 410 khu đất, với diện tích hơn 6,3 triệu m2 đã được giao cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Qua kiểm tra rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện chỉ có hơn 2,5 triệu m2 được sử dụng đúng mục đích.

Trong khi đó, bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp lại kiến nghị các cơ quan chức năng cần giám sát kỹ hơn về hiện tượng nhà đất không được tính vào giá trị doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa. Trước đây tốc độ cổ phần hóa rất nhanh vì nhà đầu tư nhắm vào lợi ích của mặt bằng nhà xưởng.

Vì vậy, phải có đánh giá lại hiệu quả sử dụng đất của hơn 200 doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa tại thành phố. Nên chăng phải kiến nghị tăng giá thuê đất hoặc truy thu phần thặng dư địa tô của toàn bộ diện tích đất này vì thực tế những mặt bằng nhà xưởng này đều có giá trị rất cao nếu tính theo giá thị trường...

Ghi nhận những kiến nghị này, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, khẳng định:

Nguồn gốc nhà đất công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh rất phức tạp với nhiều đầu mối quản lý. Những phát sinh trong quá trình khai thác và quản lý khối tài sản hàng triệu m2 nhà đất này cần được sớm giải quyết. Qua đợt công tác này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ có kiến nghị để điều chỉnh và sửa đổi Luật đất đai, các quy định về quản lý công sản để tạo ra hành lang pháp lý chuẩn nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi lãng phí nhà đất công.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG