TPHCM: Giám đốc khu đường sông “xứng đáng” bị cách chức

TPHCM: Giám đốc khu đường sông “xứng đáng” bị cách chức
TP - Đó là nhận định của một lãnh đạo Sở GTCC TPHCM sau khi cơ quan thanh tra Sở hoàn tất kết luận thanh tra về những sai phạm tại Khu đường sông (KĐS trực thuộc Sở).
TPHCM: Giám đốc khu đường sông “xứng đáng” bị cách chức ảnh 1
Một công trình bờ kè (phường 27, quận Bình Thạnh) do KĐS làm chủ đầu tư

Theo báo cáo kết luận thanh tra, KĐS đã làm ngân sách nhà nước thất thoát ít nhất là 689 triệu đồng. Với vai trò là người đứng đầu, ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc KĐS đã thiếu trách nhiệm trong điều hành, quản lý, tổ chức thẩm định, kiểm tra việc lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật- dự toán, giám sát thi công, nghiệm thu bàn giao, dẫn đến việc thanh toán khối lượng sai thực tế.

Theo quy định, ông Khánh phải có trách nhiệm thu hồi số tiền thất thoát hoặc (nếu không thu hồi được thì phải bồi thường với trách nhiệm cá nhân).

Theo kết luận, từ tháng 3/2004, Sở GTCC TP.HCM đã ủy quyền cho Khu Đường sông thành phố phê duyệt thiết kế dự toán và kế hoạch duy tu. Mặc dù, việc lập hồ sơ thiết kế dự toán được giao Phòng duy tu thực hiện nhưng ông Khánh lại không lập bộ phận thẩm định.

Do đó, từ đầu năm 2005, KĐS đã thay đổi chiều dày thép ống, thép bản đế đầu cọc duy tu nhưng trong dự toán lại giữ nguyên chiều dày khiến khối lượng và kinh phí duy tu tăng vọt nhưng đều được giám đốc KĐS “hào phóng” phê duyệt.

Ngoài ra, KĐS còn thanh toán sai khối lượng một số hạng mục: cạo gỉ, sơn sắt thép, tháo dỡ, sản xất lắp dựng các bảng, trụ báo hiệu.. gây thiệt hại thấp nhất cho ngân sách nhà nước là 83 triệu đồng. 

Đối với các gói thầu do Cty Nam Thuận Giang thực hiện, KĐS không phát hành sổ nhật ký thi công theo mẫu có sẵn mà sử dụng sổ tay bằng giấy tập học sinh, trong nhật ký không đóng dấu đầu tư, không ghi tên công trình, tên chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị giám sát, không ghi tên người ghi nhật ký...

Nhật ký không mô tả công việc cụ thể thực hiện hằng ngày mà chỉ liệt kê các hạng mục công trình thực hiện, không ghi rõ họ tên cán bộ giám sát và tên công trình đang thực hiện.

Ngoài ra, đối với các thiết bị đèn năng lượng mặt trời, công việc lắp đã được nghiệm thu hoàn thành ngày 28/6/2005 nhưng ngày 4/7/2005 mới lắp đèn.

Còn ở kế hoạch duy tu 2 tháng 11 và 12/2005, hai bên đã nghiệm thu hoàn thành vào ngày 21/12/2005 nhưng mãi đến khi Thanh tra Sở GTCC nhận thấy những bất thường ở KĐS và tiến hành công tác thanh tra vào các ngày 14/7/2006 và 20/7/2006 thì Cty Nam Thuận Giang mới bàn giao để lắp đặt. Vì vậy có cơ sở khẳng định Cty Nam Thuận Giang tìm cách hợp thức hóa, khắc phục hậu quả cho việc đã nghiệm thu khống trước đó.

Không chỉ nghiệm thu “khống”, KĐS còn tạo điều kiện để đơn vị thi công nâng khống giá trị thực nhằm rút ruột ngân sách. Đơn cử: KĐS cho thay mới 43 đèn năng lượng mặt trời, bao gồm 32 đèn model 501 và 11 đèn model 601 với giá thanh toán bình quân khoảng 12 triệu đồng/đèn.

Thế nhưng, thực tế, giá gốc đèn model 501 mà Cty Nam Thuận Giang mua chỉ có giá 190USD/đèn, tương đương với 3 triệu đồng/đèn, còn giá gốc đèn model 601 chỉ có 350USD/đèn, tương đương 5,3 triệu đồng/đèn.

 Phạm Lệ Thư

MỚI - NÓNG