TPHCM: Hợp thức hóa hàng trăm nghìn nhà trái phép

TPHCM: Hợp thức hóa hàng trăm nghìn nhà trái phép
Sở Xây dựng TPHCM vừa hoàn chỉnh bản dự thảo trình UBND ban hành một quyết định, mà đó sẽ là lối thoát cho hàng trăm nghìn căn nhà xây dựng trái phép (không phép và sai phép) trên địa bàn thành phố.

Phạm vi điều chỉnh bao gồm công trình xây dựng phù hợp với quy hoạch được duyệt nhưng chưa phù hợp về kiến trúc; công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.

Đối tượng được xem xét, giải quyết gồm các cá nhân và tổ chức VN, các cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng công trình có hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị, quản lý sử dụng nhà trên địa bàn TP HCM từ trước thời điểm 1/7/2004.

Riêng đối với những vi phạm từ ngày 1/7/2004 trở về sau thì việc xử lý vi phạm phải kiên quyết thực hiện triệt để theo quy định tại điều 120 của Luật Xây dựng.

Ngoài ra, dù thời điểm vi phạm trước ngày 1/7/2004 nhưng các cá nhân, tổ chức nước ngoài sẽ không được xem xét, giải quyết nếu có Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập có quy định khác.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, TPHCM hiện còn hơn 140 nghìn căn nhà xây dựng trái phép từ trước ngày 1/7/2004 thuộc phạm vi điều chỉnh của quyết định này.

Ông Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Với quyết định này thành phố sẽ xử lý hoàn tất các công trình xây dựng đang tồn tại trên địa bàn thành phố, đồng thời tạo điều kiện cho chủ sử dụng công trình, nhà ở đăng ký quyền sở hữu theo đúng quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, quy định mới có một số điểm mâu thuẫn với các quyết định và chỉ thị đã ban hành trước đây nên chắc chắn UBND TP HCM sẽ phải sửa đổi hoặc bãi bỏ.

Xử lý ra sao?

Theo Sở Xây dựng, đối với công trình xây dựng phù hợp với quy hoạch đô thị nhưng chưa phù hợp với các quy định về kiến trúc, cảnh quan khu vực của cơ quan có thẩm quyền ban hành như cốt xây dựng nền; phần cho phép nhô ra của ban công tầng 1... sẽ tiếp tục được phép tồn tại theo hiện trạng.

Trường hợp chủ công trình có nhu cầu cải tạo, nâng cấp thì phải thực hiện đúng quy định của Luật Xây dựng và các quy định về kiến trúc, cảnh quan. Đối với các công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng thì được xử lý như sau:

 Trong trường hợp toàn bộ công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch đã được duyệt và quy hoạch đó cần thực hiện ngay thì chủ công trình phải chấp hành di dời và được đền bù theo quy định của pháp luật.

Trường hợp quy hoạch xây dựng chưa thực hiện thì công trình sẽ được phép tồn tại theo hiện trạng cho đến khi thực hiện quy hoạch xây dựng thì chủ công trình phải tự tháo dỡ theo quy định của Luật Xây dựng.

Nếu có nhu cầu thì chủ công trình được sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong nhưng không được làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình.

Đối với các trường hợp một phần công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch, nếu phải thực hiện ngay quy hoạch xây dựng thì chủ công trình phải phá dỡ phần công trình không phù hợp và được đền bù theo quy định.

Phần diện tích đất còn lại được phép xây dựng nhưng chủ công trình phải tuân theo quy hoạch xây dựng, quy định về kiến trúc, cảnh quan của khu vực, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng.

Cụ thể: Nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15m2, có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng; nếu có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được xây dựng 1 tầng (trệt).

Nếu diện tích còn lại từ 15 - 40m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3 m trở lên thì được phép xây dựng không quá 2 tầng (1 trệt +1 lầu).

MỚI - NÓNG