Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Phạm Phương Thảo:

TP.HCM không xin tiền, chỉ xin cơ chế

TP.HCM không xin tiền, chỉ xin cơ chế
TP.HCM muốn trong năm tới, trong chương trình xây dựng pháp luật của QH sẽ có nội dung về pháp lệnh hoặc luật cho những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... để các thành phố này có điều kiện phát triển.

Cụ thể: cơ chế, chính sách cho việc thu hút vốn, xét duyệt dự án đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách đối với con người, bộ máy... Phó Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho biết.

* Nước bẩn, nước thiếu, hạ tầng giao thông kém chất lượng... là những “chuyện dài nhiều tập” xảy ra ở TP.HCM mà cử tri đặt niềm tin các đại biểu sẽ phản ảnh lên QH để có quyết sách hợp lý hơn.

- Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO: Đúng vậy. Về đầu tư, tôi chắc TP.HCM không phải xin tiền của trung ương mà là xin cơ chế chính sách để xử lý. TP.HCM muốn trong năm tới, trong chương trình xây dựng pháp luật của QH sẽ có nội dung về pháp lệnh hoặc luật cho những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... để các thành phố này có điều kiện phát triển.

Cụ thể là các cơ chế, chính sách cho việc thu hút vốn, xét duyệt dự án đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách đối với con người, bộ máy... Có thể việc chuẩn bị không kịp, nên Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ đề xuất QH tính toán đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2007. Song song đó, TP.HCM cũng đang làm dự án xây dựng chính quyền đô thị, cố gắng từ nay đến cuối năm sẽ có được những điểm cơ bản để xin ý kiến Chính phủ.

* Con số 2 tỉ USD mà VN phải trả nợ vốn vay ODA hằng năm được Chính phủ khẳng định là “có khả năng chi trả”, nhưng cử tri vẫn lo lắng.

- Trong ngân sách Nhà nước có cân đối nợ phải trả hằng năm. Tôi tin Chính phủ VN có khả năng làm được điều ấy. Tôi được biết Chính phủ Mỹ, Trung Quốc nợ trong nước bằng hoặc hơn GDP. Còn ở VN, nợ nước ngoài chiếm 30% trong GDP, nợ trong nước 12% GDP... Cử tri vẫn có thể an tâm về việc xử lý nợ, nhất là nợ nước ngoài, nhưng tất nhiên cử tri không chấp nhận để xảy ra thất thoát trong sử dụng vốn vay. Tôi nghĩ QH sẽ phải kiểm tra, giám sát chuyện này.

* Đa số cử tri đề nghị QH dành thời gian nghe các vụ tiêu cực như vụ PMU18, vụ Lương Cao Khải, vụ cảng Thị Vải... Đoàn ĐBQH TP.HCM có đưa ý kiến này ra QH không, thưa bà?

- Cử tri TP.HCM rất quan tâm đến những vụ việc ấy, điều này thể hiện cử tri có trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước và thành phố. Vụ PMU18 đang trong quá trình điều tra, cử tri mong muốn khi đã điều tra xong thì phải xử lý nghiêm những người vi phạm dù ở bất cứ địa vị nào và tìm hướng giải quyết để quản lý các ban quản lý dự án tốt hơn, phân cấp mạnh hơn. Đoàn ĐBQH TP.HCM tất nhiên sẽ mang ý kiến của cử tri thành phố ra QH.

Tôi nghĩ kỳ họp thứ 9 này, Chính phủ sẽ báo cáo trước QH vụ PMU18 vì đây là vấn đề cử tri quan tâm. Theo tôi là phải có qui định cụ thể trong quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các ban quản lý sử dụng vốn vay ODA.

* Vụ cầu Văn Thánh là điển hình về tình trạng trách nhiệm không rõ ràng, mà hứng chịu hậu quả chính là người dân TP.HCM. Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ có ý kiến về việc này tại kỳ họp thứ 9?

- Cây cầu này không lớn, vốn đầu tư không nhiều, nhưng đúng là do trách nhiệm không rõ ràng nên việc chọn phương án xử lý không thống nhất. Công trình này cũng có tiêu cực một phần, nhưng cái chính là trình độ xử lý kém, kể cả các khâu từ khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát công trình, làm không đến nơi tới chốn, để khi đưa vào sử dụng thì bị sự cố, khi phát hiện rồi thì xử lý chậm. Theo tôi, để xảy ra chuyện này là trách nhiệm của người đứng đầu ngành thực hiện và TP.HCM cũng có trách nhiệm. Một cơ chế để phân định rõ trách nhiệm cũng là điều cần phải có.

* Ủy ban đối ngoại của QH cho rằng với tình trạng qui hoạch bất cập, QH không được biết đến, QH chưa “sờ” được qui hoạch, như qui hoạch cảng biển, sân bay, qui hoạch đô thị... Đoàn ĐBQH TP.HCM có nêu vấn đề này ra tại kỳ họp này?

- Thật ra QH cũng giám sát nhưng khi phát hiện thì thường chậm. Việc thực hiện các qui hoạch có tầm cỡ lớn như dự án Dung Quất trễ tới tám năm, gây lãng phí nhưng sau này QH mới được báo cụ thể. Tôi nghĩ QH cần phải được biết tiền sẽ được đổ vào đâu, ngành nghề nào. Đặc biệt qui hoạch đô thị, qui hoạch các vùng kinh tế trọng điểm... Chính phủ cũng nên báo cáo trước QH một cách định kỳ để QH có điều kiện kiểm tra, giám sát kỹ hơn, có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.