TPHCM lên tiếng về việc đóng cửa bãi rác số 3

Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của VWS được đầu tư 150 triệu USD theo công nghệ của Hoa Kỳ.
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của VWS được đầu tư 150 triệu USD theo công nghệ của Hoa Kỳ.
TP - “Việc đóng cửa bãi chôn lấp số 3 ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp ở Củ Chi là ý nguyện của nhân dân nơi đây”- Lãnh đạo UBND TPHCM khẳng định trong một văn bản gửi cơ quan báo chí mới đây. Và việc đóng bãi chôn lấp số 3, gây lãng phí ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng là không có cơ sở.

Đóng bãi rác số 3… xuất phát từ ý nguyện của nhân dân

Trong một công văn gửi đi, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu rõ việc đóng Bãi chôn lấp số 3 xuất phát từ ý nguyện và phản ánh của nhân dân khu vực xung quanh cũng như các kiến nghị của UBND huyện Củ Chi cũng như UBND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. 

Cụ thể, trong quá trình vận hành các bãi chôn lấp Phước Hiệp đã xảy ra sự cố phình trồi đất tại Bãi chôn lấp rác số 1. Đến tháng 7/2009 thì bị sụt lún, trượt đất sạt lở bờ bao làm chảy tràn nước rỉ rác ra kênh TC2-5A trong Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp gây ô nhiễm môi trường và mặt nước ngầm khu vực xung quanh.

Không những vậy, đến tháng 12/2014, UBND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cũng có văn bản đề nghị UBND TPHCM sớm có giải pháp xử lý khắc phục tình trạng ô nhiễm hoặc di dời bãi rác ra vị trí khác để không gây ô nhiễm môi trường chung.

Theo UBND huyện Đức Hòa, từ ngày bãi rác Tam Tân, huyện Củ Chi, thuộc Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp được thành lập cho đến nay. Bãi rác này đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân một số xã Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Tân Mỹ và thị trấn Hậu Nghĩa.

Trước những vấn đề bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường xung quanh Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp, UBND thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp để xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm thiểu gây ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi và tiến hành chấm dứt xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Phước Hiệp vào đầu năm 2015.

Song song đó, UBND thành phố cũng xem xét đưa lượng rác tăng thêm về xử lý tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. “Dự án này đã được xây dựng hoàn chỉnh và đảm bảo năng lực tiếp nhận thêm lượng rác theo thiết kế. Đảm bảo môi trường và không cần thiết đầu tư mới” – ông Nguyễn Thành Phong cho biết.

Theo đó, UBND thành phố ban hành kế hoạch đóng cửa Bãi chôn lấp số 3 Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp và chuyển rác về xử lý tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, cụ thể từ ngày 30/11 đến 31/12/2014 điều phối khối lượng rác tăng thêm 600 tấn/ngày; từ ngày 31/3/2015 điều phối khối lượng rác còn lại khoảng 800 tấn/ngày.

Để tiếp nhận khối lượng rác trên, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước đã xây dựng dự án “nâng công suất tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày” tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Dự án này được Bộ TN&MT thẩm định và đánh giá là đảm bảo điều kiện theo các hạng mục, công trình hiện có của dự án.

Lãng phí ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng là không có cơ sở

Theo UBND thành phố, dự án công trình Bãi chôn lấp rác số 3 Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp có tổng mức đầu tư là 976 tỷ đồng, trong đó chi phí dự phòng là 245 tỷ đồng. Nếu trừ chi phí dự phòng thì tổng số vốn đầu tư của toàn bộ dự án là 731 tỷ đồng.

TPHCM lên tiếng về việc đóng cửa bãi rác số 3 ảnh 1

Nhà máy tái chế của VWS được đầu tư 10 triệu USD.

Tuy nhiên, do việc xây dựng Bãi chôn lấp số 3 này chưa hoàn tất và UBND thành phố đã chấp thuận cho chủ đầu thuê đơn vị kiểm toán độc lập để xác định chính xác tổng vốn đầu tư của dự án. Nhưng đến thời điểm này chủ đầu tư chưa báo cáo kết quả kiểm toán công trình cho UBND thành phố nên việc các báo đăng thông tin đóng Bãi chôn lấp số 3 gây lãng phí ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng là chưa có cơ sở.

Liên quan đến dự án này, UBND thành phố cũng giao Sở KH&ĐT xem xét lại thẩm quyền phê duyệt dự án của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố có đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Trong khi đó, về vấn đề xử lý chất thải sinh hoạt, theo UBND thành phố tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp, ngoài Bãi chôn lấp số 3 của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố còn có Nhà máy xử lý rác thành phân compost của Công ty Cổ phần Vietstar (1.200 tấn/ngày) và Nhà máy xử lý rác thành phân compost của Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa (1.000 tấn/ngày).

Theo đó, hiện phần rác sau phân loại làm phân compost của 2 công ty này được UBND thành phố chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố chôn lấp tại những ô chôn lấp của Bãi chôn lấp số 3 đã được xây dựng  Theo đó, Bãi chôn lấp số 3 hiện tại là bãi rác dự phòng và xử lý 50% - 60% khối lượng rác không sản xuất được phân compost của Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa và khối lượng rác thải này được đem qua chôn lấp ở ô chôn lấp số 3.

Nguy cơ nhà đầu tư “bỏ chạy”

“Không chỉ mùi hôi từ bãi rác làm đảo lộn cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến sức khỏe mà nguy cơ các nhà đầu tư vào huyện Đức Hòa cũng “bỏ chạy” vì tình trạng ô nhiễm này”- ông Nguyễn Văn Út- Bí thư Huyện uỷ Đức Hòa, tỉnh Long An trao đổi với Tiền Phong. Trước đó, ngày 12/2/2015, sau khi tiếp nhận kiến nghị từ 3 xã Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ và Tân Mỹ, lãnh đạo UBND huyện Đức Hòa đã có công văn gửi lãnh đạo tỉnh Long An và TPHCM yêu cầu vào cuộc xử lý ô nhiễm môi trường từ bãi rác Tam Tân ở huyện Củ Chi gây ra.

“Hiện nay vào khoảng 4 giờ đến 8 giờ sáng mỗi ngày, mùi hôi thối tư bãi rác Tam Tân tỏa ra các xã giáp ranh như Tân Mỹ, Đức Lập Thượng và Đức Lập Hạ của huyện Đức Hòa, trước mắt gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, về lâu dài dễ sinh ra nhiều chứng bệnh về hô hấp...”- công văn nêu rõ.

TPHCM lên tiếng về việc đóng cửa bãi rác số 3 ảnh 2

Mỗi ngày Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận và xử lý 5 nghìn tấn rác cho TPHCM.

Theo ông Nguyễn Văn Út, để người dân không bị ảnh hưởng từ mùi hôi, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào Đức Hòa, TPHCM nên đóng cửa bãi rác Phước Hiệp. “Dù có xử lý để hạn chế mùi hôi thì đó cũng chỉ là tình huống tạm thời, về lâu dài dân chúng tôi không thể bị đầu độc thêm nữa”- ông Út kiến nghị.

Dân ảnh hưởng, việc thu hút đầu tư vào các dự án dân cư, công nghiệp và thương mại dịch vụ của huyện, theo ông Út cũng bị vạ lây. Dẫn chứng từ việc đầu tư các khu nhà vườn, khu dân cư hoành tráng nhưng đến nay việc thu hút khách vào các dự án này không nhiều, ông Út cho rằng có nguyên nhân do ô nhiễm từ mùi hôi bãi rác.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.