TPHCM mạnh tay chống kẹt xe

TPHCM sẽ triển khai nhiều biện pháp mạnh để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Huy Thịnh.
TPHCM sẽ triển khai nhiều biện pháp mạnh để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Huy Thịnh.
TP - Ngoài lập lại trật tự vỉa hè, ngay trong quý II, TPHCM tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp mạnh, đụng chạm đến lợi ích của một bộ phận người dân như sắp xếp lại các chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát tại 24 quận huyện, tổ chức lại giao thông theo hướng siết phương tiện cá nhân để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt… Đây là vấn đề được đưa ra tại kỳ họp về tình hình kinh tế xã hội ngày 31/3 do UBND TPHCM tổ chức.

Không đánh trống bỏ dùi

Theo Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận, việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường và tổ chức lại cuộc sống người nghèo bán hàng rong được dư luận đồng tình, ủng hộ, kể cả những người bị ảnh hưởng trực tiếp. Sau nhiều ngày ra quân, đến nay, quận 1 đã tái lập lại trật tự vỉa hè 100/134 tuyến đường trên địa bàn quận.

UBND quận 1 đã tổ chức khảo sát, lập danh sách và qua sàng lọc, xác định có 260 hộ nghèo cần hỗ trợ. Chính quyền địa phương và các đoàn thể đã tạo điều kiện chuyển đổi nghề (hỗ trợ vốn, đào tạo nghề miễn phí…) cho 130 hộ nghèo. Đến nay, toàn bộ số hộ trên đã có việc làm, thu nhập ổn định. 100 hộ khác sắp tới sẽ được bố trí vào kinh doanh tại hai “phố hàng rong” đã được UBND thành phố đồng ý trên đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp.

30 hộ nghèo còn lại không thể chuyển đổi nghề và bố trí kinh doanh, UBND quận đã trực tiếp tạo việc làm.

“Trên địa bàn còn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thường xảy ra ùn tắc giao thông vì tập trung 2 trường mầm non và 3 trường phổ thông. Vào giờ cao điểm có khoảng 1.000 phụ huynh đổ về đưa đón con, gây kẹt xe. UBND quận đã vận động nhà trường, phụ huynh, sắp tới sẽ tổ chức xe buýt đưa đón học sinh. Mỗi cháu được phát một thẻ chip để phụ huynh có thể theo dõi, kiểm soát”, ông Thuận cho biết.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường quận 1 đã làm tốt, được người dân đồng tình, tạo động lực cho nhiều quận huyện.

Ông Phong yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Quá trình làm có thể có phản ứng, ý kiến,… Chính quyền cần lắng nghe, điều chỉnh nhưng phải quyết tâm, kiên trì, không chạy theo phong trào và không được “đánh trống bỏ dùi”.

“Còn phải tiếp tục chứ không phải thấy ổn ổn rồi thôi. Quận 5 cần mạnh mẽ hơn. Hôm rồi tôi nhắc anh Huy (chủ tịch UBND quận 5 Phạm Quốc Huy), đường Chí Hoà nhỏ mà xe đậu đầy, trẻ em đi học phải xuống lòng đường. Thành ủy, ủy ban đã chỉ đạo rồi. Chủ tịch, trưởng công an phải vào cuộc. Phải kiên quyết không để lấn chiếm tái diễn, đồng thời tổ chức lại cho bà con sinh sống bằng nghề bán hàng rong”, ông Phong nhấn mạnh.

Siết xe cá nhân, chợ tự phát

Nghe Giám đốc Sở Công Thương Phạm Thành Kiên báo cáo trên địa bàn thành phố còn 49 chợ tạm và 228 điểm kinh doanh tự phát, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói ngay: Các quận huyện phải cố gắng phối hợp với Sở Công Thương xử lý cho tốt, vì rất ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông.

Ông Phong dẫn chứng: “Ở quận 9 có tuyến đường 145 việc kinh doanh buôn bán tràn ra đường, buổi sáng xe cộ không cách gì đi được. Không chỉ quận 9 mà ở quận 7 và nhiều quận huyện khác cũng vậy. Tôi không nói dẹp chợ mà phải tổ chức lại để không ảnh hưởng đến giao thông. Nếu nóng vội tổ chức chợ mới, bà con tiểu thương không chịu vào kinh doanh”.

Chủ tịch UBND TPHCM chất vấn giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường: “Thành phố còn 43 điểm có nguy cơ ùn tắc. Trong quý II có thể kéo giảm 50% được không?”.

Ông Bùi Xuân Cường lý giải, TPHCM đang bùng nổ phương tiện cá nhân với số lượng ô tô đăng ký mới là 180 xe/ngày (năm 2016: 100 xe/ngày). Trong thời gian chờ các dự án đường sắt đô thị (metro) và các phương tiện công suất lớn hoàn thành, đi vào khai thác, việc đi lại ngày càng khó khăn, vì quỹ đất dành cho giao thông quá thấp.

“Sở GTVT đang tính toán, dự kiến sẽ triển khai một số giải pháp mạnh, có thể đụng chạm đến việc đi lại của người sử dụng phương tiện cá nhân như phân làn ưu tiên, tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng”, ông Cường nói.

Theo đề xuất của Sở GTVT, sắp tới TPHCM sẽ tổ chức lại giao thông đường Điện Biên Phủ (từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến chân cầu Sài Gòn) và đường Võ Thị Sáu (từ vòng xoay Dân Chủ đến Đinh Tiên Hoàng) để thí điểm bố trí làn riêng cho xe buýt. Nếu thành công, thành phố sẽ triển khai trên các đường Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến khu du lịch Suối Tiên), Phạm Văn Đồng…

Hàng trăm trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước

Theo báo cáo của trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, trên địa bàn TPHCM còn tồn tại 55 trường hợp lấn chiếm cửa xả (trên 19 tuyến đường). Có gần 500 hầm ga, 13,14 km cống và 58 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm, cản trở thoát nước. 

MỚI - NÓNG