TPHCM mời gọi kiều bào đầu tư về nước

TPHCM mời gọi kiều bào đầu tư về nước
Tiềm năng về vốn của Việt kiều ở nước ngoài được đánh giá cao, song đầu tư về nước của họ còn thấp. Trong khi đó, nhu cầu vốn của TPHCM đang hết sức lớn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
TPHCM mời gọi kiều bào đầu tư về nước ảnh 1
Các doanh nghiệp Việt kiều về đầu tư tại Việt Nam

Đó là ý kiến của Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM Lương Văn Lý tại Hội nghị bàn biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt kiều phát triển kinh doanh trong nước diễn ra hôm 21/7.

Ông Lý cho biết, TPHCM đang trong quá trình quy hoạch tổng thể giao thông đô thị với 6 đường tàu điện ngầm (metro), trong đó 2 đường sẽ ưu tiên làm trước. Thế nhưng đã 2 năm nay thành phố hết sức vất vả để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho 20 km metro xây dựng đầu tiên với khoảng 9 tỷ USD vốn ban đầu.

Không chỉ những dự án lớn, mà cả dự án thuộc quy mô nhỏ của thành phố cũng vướng vì khó khăn này. Đơn cử như kế hoạch mở rộng đường xa lộ Đại Hàn thành đường vành đai liên tục, hoàn chỉnh để tránh đứt đoạn như hiện nay và phục vụ nhu cầu vận chuyển từ Nam ra Bắc, nhưng nhiều năm nay kế hoạch này "trở mình" hết sức chậm chạp.

Hầu hết các cơ quan chức năng tại TPHCM đều cho rằng, nguồn vốn đầu tư về nước của kiều bào Việt Nam hiện còn quá ít so với tiềm năng thực sự. "Nếu đối chiếu tổng số vốn đầu tư với tiềm năng tài chính kiều bào thì không phản ánh đúng thực lực của Việt kiều ở nước ngoài" - Ông Lý nói.

Theo ông Lý, lượng kiều hối hằng năm được Việt kiều từ nước ngoài gởi về nước ước tính khoảng 3,7 tỷ USD (trên cả nước), riêng TPHCM nhận khoảng 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên lượng kiều hối này không chảy vào các dự án đầu tư kinh tế mà phần lớn lại sử dụng cho tiêu dùng của gia đình.

Nếu so sánh với tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay trên cả nước là khoảng 2 tỷ USD, thì mới thấy rõ được giá trị của nguồn kiều hối gởi về nước qua các nguồn khác nhau lớn đến mức nào.

Ông Lý phân tích: "Giá trị gia tăng của nguồn kiều hối này sẽ còn cao hơn nếu được đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế thông qua các dự án". Theo ông, nguyên nhân của việc huy động vốn kiều bào chưa hiệu quả là do cơ chế chính sách trong nước chưa làm yên lòng kiều bào khi quyết định đầu tư về nước.

Ông Nguyễn Chơn Trung - Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM - cho biết, tính từ năm 1988 đến nay, tổng vốn đầu tư theo Luật doanh nghiệp của Việt kiều là hơn 2.000 tỷ đồng Việt Nam và 62,39 triệu USD vốn theo Luật Đầu tư nước ngoài.

Song hầu hết đều là những dự án nhỏ với quy mô vài trăm nghìn USD, duy chỉ có một dự án đầu tư khu vui chơi giải trí có vốn lớn nhất là 48,7 triệu USD.

So sánh với số lượng 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố thì con số doanh nghiệp do Việt kiều thành lập hay góp vốn đầu tư chỉ bằng 1% và chiếm chỉ 1,2% tổng số vốn đăng ký.

"Vì những lý do đó, TPHCM kêu gọi kiều bào mạnh dạn đầu tư về nước và sẽ áp dụng nhiều biện pháp hành chính nhằm giảm phiền hà cho Việt kiều khi đầu tư về nước cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại" - Ông Trung nói.

Ông Lý cũng cho biết, nhu cầu vốn của TPHCM đang hết sức lớn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, vì nếu không, trong tương lai tốc độ tăng trưởng của thành phố sẽ chựng lại và giảm dần.

Trước mắt, TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ để thực hiện cơ chế một cửa và đưa ra những chính sách ưu đãi trong đầu tư kinh doanh cho Việt kiều. Ngoài ra, việc thành lập các quỹ hay ngân hàng dành cho Việt kiều để huy động vốn cũng rất cần thiết.

MỚI - NÓNG