TPHCM muốn đóng cửa vũ trường, quán bar phòng dịch Covid-19

TPHCM muốn đóng cửa vũ trường, quán bar phòng dịch Covid-19
TPO - Bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1 đề xuất lãnh đạo TPHCM đóng cửa các quán bar, vũ trường cho đến khi hết dịch Covid-19 và được lãnh đạo Sở Y tế đồng tình.

Chiều 12/3, tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, thường trực UBND TPHCM với thường trực các quận ủy, huyện ủy, Bí thư quận 1 Trần Kim Yến cho biết quận 1 tập trung nhiều nhà nghỉ, nhà hàng, quán bar và vũ trường.

Hoạt động đông người tại các địa điểm trên trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp rất đáng lo ngại. Ngoài dân nhập cư, tạm trú tại quận 1 rất đông. Chỉ trong 11 ngày đầu tháng 3, quận 1 đã tiếp nhận đến hơn 46.000 người đến tạm trú. Công tác phòng, chống dịch khá phức tạp. 

Trước tình hình trên, bà Yến đề xuất lãnh đạo TPHCM đóng cửa tạm thời các quán bar, vũ trường cho đến khi hết dịch Covid -19 nhằm tránh dịch bệnh lây lan.

TPHCM muốn đóng cửa vũ trường, quán bar phòng dịch Covid-19 ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân giao lãnh đạo Sở Y tế, Công thương khảo sát đề xuất đóng cửa vũ trường, quán bar của lãnh đạo quận 1 báo cáo thành phố quyết định trước ngày 15/3 

“Các vũ trường, quán bar chỉ được phép hoạt động trở lại khi TPHCM công bố hết dịch”, bà Yến đề nghị.

Trước đề xuất này, lãnh đạo Sở Y tế đã lên tiếng ủng hộ và cho biết đề xuất của Bí thư quận 1 cần triển khai nhanh vì các tụ điểm quán bar, vũ trường nguy cơ lây lan bệnh dịch rất cao khi xuất hiện ra mầm bệnh và nguồn lây nhiễm.  

Trước đề xuất của Bí thư Quận 1 về việc đóng cửa tạm thời vũ trường, quán bar, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành y tế và công thương khảo sát để báo cáo TPHCM trước ngày 15/3 để xem xét, quyết định.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: “Có cần đóng cửa hay không? Mà đóng cửa có cần phân loại vũ trường lớn, nhỏ hay không? Mà nếu cho hoạt động thì người vào vũ trường nhảy có đeo khẩu trang hay không? Có phun khử trùng ở các điểm này không?,Chúng ta phòng chống dịch Covid-19 cẩn trọng, quyết liệt nhưng cũng không thể để sản xuất, kinh doanh tê liệt. Cần có những phương án, biện pháp phù hợp”.

TPHCM muốn đóng cửa vũ trường, quán bar phòng dịch Covid-19 ảnh 2 Quán bar, vũ trường là nơi tập trung rất đông người, trong đo có nhiều du khách nước ngoài và hầu hết không đeo khẩu trang

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, tinh thần phòng, chống dịch đảm bảo an toàn nhưng không xâm phạm vào việc kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Và, theo kinh nghiệm từ các nước, chỉ mất từ 6-10 ngày số ca nhiễm đã gia tăng từ 100 ca lên 1.000 ca nhiễm và chỉ cần 10-15 ngày để tăng từ 1.000 ca nhiễm lên đến 10.000 ca nhiễm. 

“TPHCM phải kiên quyết không để số ca nhiễm vượt 1.000 ca. Tất cả cán bộ công chức có nhiệm vụ không được để bản thân mình nhiễm bệnh rồi lây nhiễm cho người khác. Nếu phó, chánh văn phòng Thành ủy bị nhiễm bệnh thì cả dàn lãnh đạo văn phòng, cả thường trực Thành ủy cũng phải bị cách ly 14 ngày vì ngày nào chúng tôi cũng họp với nhau thì ai lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tuyệt đối không để cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị đóng cửa vì cán bộ đi cách ly”, ông Nhân nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, hiện nay, TPHCM chỉ có 680 giường bệnh điều trị các ca nhiễm tại các bệnh viện với 349 bác sỹ chuyên khoa nhiễm. Nếu dịch bệnh bùng phát, mỗi bác sỹ chăm sóc điều trị cho 5 bệnh nhân và làm cả 3 ca thì chỉ có thể chữa được cho tối đa 600 bệnh nhân.

Sắp tới nếu tình hình căng thẳng thì TPHCM có thể điều động bác sỹ các khoa khác và đào tạo tại chỗ. Nếu tăng gấp đôi số bác sỹ, gấp rưỡi số giường bệnh thì TPHCM cũng chỉ có thể điều trị tối đa 1.000 ca nhiễm bệnh. Vì vậy, quan trọng là sớm phát hiện và đưa đi cách ly ngay.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Vì vậy, việc đảm bảo sức khỏe của nhân dân là ưu tiên hàng đầu.

TPHCM muốn đóng cửa vũ trường, quán bar phòng dịch Covid-19 ảnh 3

Vũ trường, quán bar ở trung tâm TPHCM cũng là những tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự- ảnh m inh hoạ internet

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay tiền ăn của một người cách ly ở TP thực tế chi là 74.000 đồng/người/ngày. Có trường hợp lại yêu cầu thêm cà phê, sữa… thì lên tới gần 100.000 đồng. Tuy nhiên, Sở Tài chính chỉ duyệt theo quy định là 57.000 đồng/người/ngày.

“Chúng tôi nhận thức rõ quá trình điều hành có những chuyện phải giải quyết mang tính cấp bách, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho công tác phòng chống dịch”, ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhấn mạnh thành phố không để nhân viên y tế và các  lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 bị lây nhiễm. Không để nhân viên y tế phải làm việc quá 12 giờ/ngày.

Báo cáo tại buổi giao ban, Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết thành phố yêu cầu người đứng đầu từng ngành, địa phương chịu trách nhiệm cao nhất trong công tác phòng, chống dịch. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương đi đầu.

TPHCM sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch, khai báo không trung thực để tránh cách ly.

“Trong tình hình phức tạp như hiện nay, TPHCM cũng đã chuẩn bị các kịch bản chủ động khi dịch bùng phát”, ông Liêm cho hay.

MỚI - NÓNG