TPHCM nêu quan điểm tách nhập các sở: Lập siêu sở là đi thụt lùi

TPHCM nêu quan điểm tách nhập các sở: Lập siêu sở là đi thụt lùi
TPO - Người phát ngôn UBND TPHCM cho rằng nếu sáp nhập các sở Giao thông vận tải, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc… thành Sở Quản lý hạ tầng (siêu sở) như đề án của Bộ Nội vụ, nền hành chính của thành phố đang đi lòng vòng, thậm chí là bước thụt lùi.

Chiều 31/3, UBND TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin kỳ họp về tình hình kinh tế xã hội thu chi ngân sách Quý I, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm Quý II năm 2017.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về dự thảo đề án tổ chức bộ máy hành chính của Bộ Nội vụ về lập “siêu sở”, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND TPHCM khẳng định: Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị đã xác định rõ những chính sách gì liên quan đến TPHCM phải nghiên cứu kỹ và phải có cơ chế đặc thù để TPHCM phát triển.

Theo ông Hoan, nếu xem TPHCM như một tỉnh bình thường là không tạo điều kiện cho thành phố phát triển. Quan điểm của TPHCM không phải không muốn bộ máy tinh gọn nhưng quan trọng là phải gọn như thế nào để có thể quản lý dân số hơn 13 triệu người và không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của TPHCM và ảnh hưởng đến cả nước.

“Nếu làm như đề án thì rất vất vả. Như lập Sở Quản lý hạ tầng, các tỉnh có thể làm được vì khối lượng công việc không nhiều. TPHCM thì khác, khối lượng công việc rất lớn, lại không được Trung ương hỗ trợ nhiều, phải tự thân mày mò. Gom ba sở lại sẽ rất vất vả, một bước đi thụt lùi”, ông Hoan nhận xét.

Người phát ngôn UBND TPHCM giải thích: TPHCM trước đây đề xuất và được Trung ương chấp thuận mô hình Kiến trúc sư trưởng, được quyết định các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch đô thị.

Được một thời gian thì TPHCM phải chuyển sang mô hình Sở Quy hoạch – Kiến trúc, vai trò chỉ còn là cơ quan tham mưu. “Nếu bây giờ sáp nhập Sở Quy hoạch Kiến trúc với Sở Xây dựng, trở về mô hình mấy chục năm trước, tức đi lòng vòng, đi thụt lùi.

Mới đây, làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -2016, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết chỉ tính riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), do đặt ra mục tiêu đạt 500.000 doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 nên trong năm 2017 TPHCM phải thành lập mới 50.000 DN, tức bình quân mỗi tháng có hơn 4.000 DN mới được thành lập.

Ngoài ra, năm 2016, Sở KH&ĐT phải giải quyết 273.000 hồ sơ. Hàng năm Sở cũng tiếp nhận và phát đi hàng chục ngàn văn bản. Hiện có 80 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư tại TPHCM với hơn 6.722 dự án Sở KH&ĐT đang theo dõi.

“Tôi chỉ nói một vài con số ở Sở KH&ĐT như thế thôi, chưa nói đến Sở Tài chính. Nếu nhập lại như vậy thì làm sao làm nổi, mà làm không nổi sẽ làm trì trệ lại, tác động đến sự phát triển của TPHCM… Hôm rồi, anh Tân (Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân) mời chúng tôi ra thảo luận tách nhập các sở, chúng tôi trả lời rất rõ là đề nghị giữ nguyên hiện trạng”, ông Phong nói.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Dự thảo đề xuất hợp nhất nhiều sở thành một.

Cụ thể, Sở Kế hoạch - Tài chính là sự hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị (hoặc Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị) là sự hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông Vận tải (và Sở Quy hoạch Kiến trúc tại TPHCM và Hà Nội). Các tỉnh đã lập Sở Du lịch thì hợp nhất sở này vào Sở Văn hoá thể thao và Du lịch.

MỚI - NÓNG