TPHCM: Người đi bộ vẫn bị đẩy xuống lòng đường

Vỉa hè đường Lê Hồng Phong bị chiếm hết làm nơi buôn bán, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Ảnh: Ngô Bình.
Vỉa hè đường Lê Hồng Phong bị chiếm hết làm nơi buôn bán, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Trong  hội nghị phối hợp công tác giữa TPHCM và Bộ GTVT chiều 27/2, Bí thư Thành ủy TPHCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê lòng đường vỉa hè để kinh doanh buôn bán, đỗ xe..., trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Thế nhưng, ghi nhận của phóng viên Tiền Phong trong ngày 1/3 cho thấy, hầu hết các tuyến đường đều bị lấn chiếm để làm nơi kinh doanh buôn bán, người đi bộ vẫn phải vòng xuống lòng đường.

Trung tâm quận 1 là nơi nhộn nhịp nhất của TPHCM với lượng khách quốc tế đến du lịch đi bộ rất đông, hầu như ngày nào các tuyến đường cũng đông nghẹt khách. Thế nhưng, hầu như tuyến đường nào cũng bị lấn chiếm để làm nơi kinh doanh buôn bán, đậu xe, hàng rong.

Chiều 1/3, từ trên ô tô vừa bước xuống tại góc đường Đề Thám quận 1, nhóm khách du lịch nước ngoài loay hoay tìm lối đi. Dọc hai bên vỉa hè bị các cửa hàng tạp hóa, quán cà phê, quán nhậu lấn chiếm để làm nơi bán hàng, đậu xe ra sát lòng đường. Đứng một lúc không còn cách nào khác, cả nhóm khác phải ùa xuống lòng đường để đi bộ qua đường Phạm Ngũ Lão về khách sạn.

Đậu xe máy bên kia đường để đợi khách, ông Lê Văn Ninh (55 tuổi, lái xe ôm) cho biết, vỉa hè của tuyến đường Phạm Ngũ Lão bị chiếm làm chỗ đỗ xe, buôn bán đã lâu, dọc tuyến đường này thường xuyên xảy ra những vụ va chạm giao thông giữa người đi bộ với ô tô, xe máy. Chỉ vào một cửa hàng ngay góc giao lộ Đề Thám, ông Ninh nói: “Đó, hàng hóa người ta chất ra đến lòng đường như thế thì lối nào mà đi bộ, ở đây đường nào chả thế”.

Tương tự các tuyến đường khác như Lê Hồng Phong quận 5, Nguyễn Trãi quận 1 hay kể cả những tuyến đường được đánh giá 100% đạt các chỉ tiêu đường kiểu mẫu như Trần Phú quận 5 hay Nguyễn Kiệm quận Gò Vấp thì việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, đậu xe cũng xảy ra tràn lan.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia kinh tế- đô thị cho rằng, phải cân nhắc lại xem có nên tiếp tục cho thuê vỉa hè nữa hay không, cắt vỉa hè ra cho thuê thì nên thực hiện ở các tuyến đường nào, thực hiện ra sao?  Theo TS Nguyên, việc cho thuê vỉa hè là việc nên làm vì với hơn 10 triệu dân ở TPHCM thì có hơn 6 triệu xe máy, có nghĩa bình quân chưa đến 2 người sử dụng một xe máy, nên nhu cầu đi lại bằng xe máy là rất cao. 

Nếu cấm đậu xe trên vỉa hè thì người dân biết đậu xe ở đâu trong khi nhiều nơi không có bãi giữ xe. “Việc sử dụng một phần vỉa hè làm nơi đậu xe, buôn bán tôi nghĩ là chính đáng vì không phải ở đâu cũng có bãi đậu xe. Tuy nhiên, cần xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình lấn chiếm, đậu xe, buôn bán ra ngoài phạm vi được cho phép”, ông Nguyên nói.

Tuy nhiên, ở những nơi tập trung đông người đi bộ như trung tâm thành phố thì cần phải hạn chế việc cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán hay bãi giữ xe để trả lại lối đi cho người đi bộ.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.