TPHCM: Nhiều cây cầu chờ sập

Cầu Bình Lợi (TPHCM) bị sà lan, tàu thuyền đâm va khoảng 10 lần,
Cầu Bình Lợi (TPHCM) bị sà lan, tàu thuyền đâm va khoảng 10 lần,
TP - Hàng chục cây cầu già ở TPHCM có thể chịu chung số phận như cầu Ghềnh (Đồng Nai) bất cứ lúc nào…

Hơn 10 vụ đâm va cầu Bình Lợi

Chiều 21/3, có mặt tại cầu Bình Lợi nối hai quận Bình Thạnh và Thủ Đức qua sông Sài Gòn, Tiền Phong ghi nhận đoạn đường sông số 10 vừa cho lập thêm trạm kiểm soát cơ động dưới chân cầu Bình Lợi mới (đường Phạm Văn Đồng), nâng số trạm kiểm soát tại khu vực này lên ba trạm. Ngoài ra, tại khoang thông thuyền của cầu, hệ thống đèn chiếu sáng cao áp và camera cũng được lắp đặt, phục vụ điều tiết các phương tiện thủy qua lại, đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Hiệp, nhân viên tuần tra Cung cầu đường sắt Bình Lợi (CCĐS) dẫn chúng tôi đi dọc theo cây cầu trăm tuổi (hoàn thành tháng 2/1902), chỉ từng vị trí khuyết tật trên thân “cụ” cầu do những lần bị sà lan đâm va vào. Theo thống kê của CCĐS, cầu Bình Lợi từng bị tàu thuyền, sà lan đâm va gây hư hỏng ít nhất 10 lần. Chỉ trong năm ngoái, cây cầu này hứng chịu hai cú đâm, va chạm mạnh từ các sà lan.

Nghiêm trọng nhất là vào tháng 11/2015, cầu bị sà lan chở 1.000 tấn đá xây dựng di chuyển từ hạ nguồn sông Sài Gòn lên thượng nguồn, tông mạnh, làm cho gối cầu bị dịch chuyển, thanh ray tàu lửa bị cong lệch 25 cm. Còn các dầm gỗ cố định của đường ray gắn trên cầu Bình Lợi bị gãy, khiến nhiều chuyến tàu không thể qua lại. Trước đó ít ngày, một sà lan kẹt cứng bên dưới và đội gầm cầu lên, lực lượng cứu hộ phải huy động thợ hàn đến cắt trụ neo.

Cầu Bình Lợi có kết cấu vòm thép, có đường ray xe lửa và một làn đường dành cho xe hai bánh lưu thông 2 chiều. Theo ông Lê Phương Nam, Trưởng CCĐS, độ tĩnh không thông thuyền của cầu dù đã nâng cao mức độ cảnh báo, thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn nhưng cầu Bình Lợi vẫn đang ẩn chứa nhiều nguy cơ, bởi khoang thông thuyền có độ tĩnh không quá thấp.  Khi nước ròng, gầm cầu cách mặt nước 3,5 - 3,7m. Lúc triều cường đạt đỉnh, có thời điểm độ tĩnh không thông thuyền chỉ còn xấp xỉ 1m.

Tháng 4/2015, Bộ GTVT đã tổ chức động thổ dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới và nạo vét luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương) theo hình thức đầu tư BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần một năm qua, dự án vẫn án binh bất động.

Hàng chục cầu yếu chờ sập

Cuối năm 2015, cầu Phước Kiển (nối xã Nhơn Đức với xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) bị một sà lan chở cát đâm suýt sập. Trước đó hai tháng, một sà lan chở cát tải trọng hàng trăm tấn khi lưu thông trên sông Chợ Đệm (xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh) đã tông làm toàn bộ cầu Cái Tâm chìm xuống sông.

Đại diện Phòng Quản lý giao thông thủy, Sở GTVT cho biết, TPHCM có khoảng 13 cầu nằm trong diện báo động đỏ, trong đó cầu Rạch Tôm, Phước Kiển, Long Kiểng, Rạch Dơi, Bình Lợi, Nhị Thiên Đường… có nguy cơ sập rất cao, bởi tàu thuyền lớn và sà lan hàng trăm tấn qua lại hàng trăm lượt mỗi ngày.

Trên tuyến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) hiện có tới 4 cầu sắt đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu Long Kiểng nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức rộng khoảng 3m, được xây trước năm 1975. Cầu bị gỉ sét và bị rung lắc khi qua lại.

Ông Nguyễn Minh Nhựt (48 tuổi, ngụ ấp 2, xã Nhơn Đức) kể: Nhiều người có điều kiện bán nhà dọn đi nơi khác vì sợ té sông. Sợ nhất là mùa mưa hay triều cường, nước dâng cao, chẳng may cầu gãy hay trơn trượt té xuống sông thì nguy hiểm tới tính mạng.

Ngoài ra, TPHCM còn có khoảng 200 cây cầu không đảm bảo tĩnh không, khoảng cách giữa mặt nước và gầm cầu thấp hơn 3m, tập trung chủ yếu trên địa bàn quận 7, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè…

Ông Bảy, là tài công tàu kéo SG 263… nói, cánh tài công hầu hết đều thông thuộc các tuyến sông, rạch như lòng bàn tay nhưng ai cũng lo ngại khi cho phương tiện chui qua các cây cầu có độ tĩnh không thấp.

“Tụi tui không sợ tàu mắc cạn vì biết rõ chỗ nông, chỗ sâu. Khó nhất là canh chiều cao. Tàu không chở chiều cao khác, chở nặng, chở nhẹ chiều cao cũng khác nên rất khó canh. Cầu có độ tĩnh không cao thì không lo, lo nhất là nhiều cây cầu có gầm quá thấp, chỉ cần sơ sẩy, chủ quan là gặp nạn ngay” – ông Bảy nói.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cả nước hiện có 427 cầu nằm trên các tuyến vận tải đường thuỷ nội địa Trung ương, trong đó có 125 cầu tĩnh không đảm bảo chạy tàu, 64 cầu ưu tiên nâng cấp, 5 cầu thuộc diện đặc biệt phải nâng cấp, gồm: cầu Long Biên, cầu Đuống (Hà Nội) cầu Chui (Hải Phòng), cầu Ghềnh (Đồng Nai) và cầu Bình Lợi (TPHCM).

MỚI - NÓNG