TP.HCM: Nước máy lại đục

TP.HCM: Nước máy lại đục
Trong vài ngày qua, người dân tại nhiều khu vực quận Bình Thạnh, Gò Vấp, TP.HCM phản ảnh nước máy khu vực này đục trở lại và có màu vàng như nước trà.
TP.HCM: Nước máy lại đục ảnh 1
Súc xả nước đục qua trụ cứu hỏa - mong rằng người dân TP sẽ không còn phải xài nước đục như thế này - Ảnh: Q.KHẢI

Cô Phạm Ngọc Hà (85 Nguyễn Văn Công, phường 3, Gò Vấp) kể: “Khoảng 20 giờ ngày 25/11, vừa vặn vòi tôi hết hồn khi thấy nước máy đục ngầu và có nhiều cặn lợn cợn. Xả bỏ một hồi lâu mà nước vẫn không hết đục, tôi phải khóa van lại và xin nước giếng của hàng xóm để dùng.

Buổi sáng hôm sau nước vẫn còn đục”. Ông Lâm Thành Luông, một người dân gần đó, cho biết thêm: “Ngày 26/11 nước máy vẫn còn vàng như nước trà nên nhiều người ở đây phải chuyển qua dùng nước giếng khoan”. Theo ông Luông, nước máy mấy ngày vừa qua bị vàng và có cặn chứ không đen nâu như đất sét ở thời điểm xảy ra hiện tượng nước đục trên diện rộng vào các tháng 7, 8 và 9/2005.

Tình trạng nước đục cũng tái diễn tại khu vực phường 27, Bình Thạnh trong ba ngày 25, 26 và 27/11. Chị Tư ở lô K, cư xá Thanh Đa, cho biết khoảng chiều tối hoặc đầu giờ sáng nước máy tháo ra bị đục vàng, có mùi tanh. Hiện tượng này thường kéo dài khoảng 3-4 giờ trong ngày.

Chiều 27/11, giám đốc Chi nhánh Cấp nước Gia Định (đơn vị quản lý cấp nước cho khu vực Bình Thạnh) Nguyễn Thành Phúc cho biết ba ngày qua, khu vực này có công trình làm cống, mở rộng đường, trong đó có hạng mục cắt bỏ ống mục, thay ống mới.

Nước đục vì khi đóng mở van, đường ống bị tạo áp lực sục nước lên dẫn đến vàng đục (sắt, mangan trong vách ống bong tróc tạo vẩn đục khi áp lực nước thay đổi đột ngột).

Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Trung An (đơn vị quản lý cấp nước khu vực Gò Vấp) Trần Ngọc Thất giải thích việc nước bị vàng đục là do hiện tượng cúp điện của Nhà máy nước Tân Hiệp (có sự cố di dời đường điện tại trạm bơm Hòa Phú - sông Sài Gòn sang đường điện ưu tiên nên phải cúp điện vài tiếng đồng hồ). Cúp điện ngưng phát nước tạo dòng xoay đột ngột gây đục, khi phát nước trở lại nước thường sẽ bị vẩn đục và đây chỉ là hiện tượng cục bộ.

Do đường ống, nguồn và mạng

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa báo cáo chính thức với UBND TP.HCM về nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng đục nước trên mạng lưới cấp nước TP.

Theo đó, nguyên nhân chính gây đục là do hệ thống đường ống cũ mục, đặc biệt là tại các khu vực xảy ra hiện tượng nước đục (quận 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú), là nơi có nhiều ống cũ, mục trên mạng, nhiều tuyến nước chảy không đầy ống (trước khi Nhà máy nước Tân Hiệp hoạt động), qua nhiều năm ống bị ăn mòn tạo nên lớp cặn dày trên thành ống.

Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của nguồn nước cung cấp trong khu vực. Khi có nguồn nước từ Nhà máy nước Tân Hiệp, khu vực xảy ra hiện tượng nước đục hầu như chỉ sử dụng nguồn nước ngầm từ Nhà máy nước Tân Bình và một số giếng. Nguyên nhân cuối cùng là do tác động phối hợp giữa nguồn và mạng.

Với các đặc điểm mạng lưới khu vực Tân Bình, Tân Phú, quận 6, 11... khi nhà máy nước cúp điện, ngưng bơm đột ngột hoặc thay đổi chế độ chạy bơm... sẽ gây ra xáo trộn thủy lực mạng lưới, tạo xung đột trong đường ống làm bong tróc khuấy động các cặn bám và đưa lượng cặn theo dòng nước đi vào các đường ống cấp ba, ống nhánh khách hàng.

Để khắc phục hiện tượng nước đục, Sawaco sẽ phối hợp để giám sát chất lượng nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và nguồn nước ngầm. Mặt khác, Sawaco hứa tiếp tục đẩy nhanh cải tạo mạng cấp nước như cải tạo ống cũ, mục; vận hành mạng lưới tránh xáo trộn gây mất ổn định áp lực mạng lưới; chế độ đóng mở van phù hợp để tránh tình trạng thao tác thủy lực quá đột ngột làm bong tróc cặn bám gây đục...

Theo Quang Khải -Võ Hương
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG