TPHCM sẵn sàng di dời dân tránh bão

Sơ đồ hướng đi của áp thấp nhiệt đới
Sơ đồ hướng đi của áp thấp nhiệt đới
TPO - Trước khả năng áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão ảnh hưởng đến khu vực TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm yêu cầu huyện Cần Giờ sẵn sàng phương án di dời dân xã đảo Thạnh An và một số khu vực nguy hiểm ven biển, kênh rạch.

Chiều nay, 17/11, trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão và ảnh hưởng đến khu vực thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã yêu cầu các sở, ban ngành, cơ quan đơn vị và UBND các quận - huyện, phường – xã – thị trấn triển khai phương án ứng phó.

Cụ thể: Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới để thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển, diễn biến của áp thấp nhiệt đới và kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

 Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới trên khu vực Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 8,0 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. 

Duy trì thông tin, liên lạc với các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, tàu hàng, các phương tiện vận tải trên biển và dân cư ven biển, đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ cho đến khi tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn.

Tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới, giao thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM quyết định cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến ra khơi, hoạt động.

Lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, chuẩn bị đủ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men,… đặc biệt là huyện Cần Giờ. Các địa phương sẵn sàng huy động phương tiện, vật tư, lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa, đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp.

Các trường không tổ chức cho học sinh tham quan, du lịch, sinh hoạt ngoại khóa tại địa bàn huyện Cần Giờ khi áp thấp nhiệt đới có hướng di chuyển vào  TPHCM và tùy theo tình hình ảnh hưởng thực tế quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn.

UBND TPHCM yêu cầu kiểm tra, bảo đảm an toàn tại các nhà ở, xưởng, công trình, công trường đang thi công (nhất là giàn giáo, cần trục tháp), chung cư cũ xuống cấp, công trình ngầm, chằng chống, gia cố, tháo gỡ các pa nô, biển quảng cáo… đề phòng gió bão gây sự cố.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, mực nước hồ Dầu Tiếng lúc 7 giờ ngày 17/11 đang ở cao trình 23,97m, cao hơn mực nước trước lũ 0,67m. Mực nước triều trên sông Sài Gòn – Đồng Nai đang lên cao, dự báo có khả năng đỉnh triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) sẽ vượt mức báo động III từ ngày 18 – 21/11.

Khi áp thấp đổ bộ gây mưa lớn gây ra tổ hợp bất lợi (mưa lớn kết hợp triều cường), TPHCM có nguy cơ bị ngập nặng. Khu vực có bờ bao, đê bao ven sông, vùng trũng thấp như: Các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn có nguy cơ tràn, bể bờ bao, ngập úng kéo dài gây thiệt hại cho người dân.

Theo Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, chiều nay (17/11), áp thấp nhiệt đới đã vượt qua đảo Pa-la-oan (Philippines) đi vào khu vực phía Nam Biển Đông. 

Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển phía Tây đảo Pa-la-oan (Philippin), cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 460km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. 

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 16 giờ ngày 18/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây quần đảo Trường Sa, cách đảo Phú Quý khoảng 370km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ)giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào khu vực Nam Trung Bộ và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Đến 16 giờ ngày 19/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8-9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

MỚI - NÓNG