TP.HCM: Sẽ có biện pháp mạnh với xe máy?

TP.HCM: Sẽ có biện pháp mạnh với xe máy?
TP - Trong ngày làm việc thứ ba (6/12) của kỳ họp HĐND TPHCM khóa VII, vấn đề hạn chế xe máy để giải quyết bài toán quá tải về hạ tầng gây ùn tắc giao thông lại trở nên nóng bỏng tại nghị trường.
TP.HCM: Sẽ có biện pháp mạnh với xe máy? ảnh 1
Kẹt xe đang trở thành vấn đề nhức nhối tại TPHCM

Đại biểu Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH &NV lý giải: Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, các nước Đông Nam Á (trong đó có VN) đã bị lóa mắt và sa vào mê hồn trận của xe máy (XM) trong khi Nhật – nước sản xuất thì không “dính” vào?

Chúng ta đang đề xuất xây dựng hệ thống xe điện ngầm (Metro), phát triển hệ thống xe buýt nhưng nếu không có lộ trình hạn chế XM thì sẽ không giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT).

“Ngay trong năm 2008, TPHCM cần đưa ra lộ trình hạn chế sự bùng nổ XM. Có thể do bị ảnh hưởng trực  tiếp, ban đầu người dân và dư luận xã hội sẽ không đồng tình nhưng thà đau một lần ! Nếu đưa được thành phố thoát khỏi mê hồn trận của XM, không còn vấn nạn UTGT, lãnh đạo TPHCM và các cơ quan chức năng đã ghi được một điểm son.

Đại biểu Nguyễn Tiến Dũng cũng đồng tình với ý kiến này. Theo ông Dũng, cần phải nhìn thẳng sự thật. Đó là XM chính là thủ phạm chính gây ra tình trạng UTGT nhưng lại đang gia tăng.

Do đó, biện pháp khả dĩ nhất là cùng thực hiện song song các biện pháp. Xác định lộ trình hạn chế XM, phát triển đồng thời hệ thống phương tiện công cộng với những tiện ích được người dân chấp nhận.

Tuyên chiến với căn bệnh hình thức, hứa suông!

Nghị trường nóng bỏng sau khi đại biểu Phạm Minh Trí “tiết lộ”: Bây giờ mới là năm 2007 mà gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận gia đình văn hóa tới năm… 2010. Nếu tiêu chí gia đình văn hóa dễ dãi và hình thức như vậy thì cả TPHCM, nhà nào cũng được công nhận là gia đình văn hóa hết.

Đại biểu Nguyễn Minh Hương bức xúc: Du khách nhớ và có ấn tượng với Kyoto hơn là Tokyo (Nhật) vì Kyoto có hệ thống tượng đài rất đẹp- là sắc thái văn hóa chứ không phải là những tòa nhà cao tầng ở thành phố nào cũng có.

Còn TPHCM thì sao? Chúng ta cũng quy hoạch xây dựng tượng đài nơi này nơi kia nhưng cũng chỉ làm lấy có và không quan tâm lắm đến bản sắc riêng. Thành phố cũng có nhà hát giao hưởng nhưng đã nhiều năm rồi vẫn nằm trên giấy.

Và, các nghệ sĩ hàng ngày vẫn phải luyện tập, biểu diễn bộ môn nghệ thuật đỉnh cao này trong một nhà hát chật hẹp nằm bên cạnh chợ Thái Bình mà mỗi lần bước vào là mất hết cảm hứng.

Chúng ta nói sẽ đầu tư cho các bộ môn nghệ thuật đỉnh cao nhưng cải lương hiện nay vẫn phải lây lất sống và được bố trí ở rạp Trần Hưng Đạo tối thui và … đầy chuột. Nhiều năm rồi thành phố đã hứa nhưng lần này có dám hứa chắc ngày giờ cụ thể để khởi công xây dựng nhà hát giao hưởng? 

Đại biểu Đặng Văn Khoa ưu tư: “Trong những năm qua, ý kiến của đại biểu nhiều lúc không được tôn trọng, thậm chí còn bị cơ quan chức năng buông trôi. Đơn cử như vấn đề cốt nền xây dựng. Chúng tôi đã đặt ra từ năm 2003 và các năm sau này.

Tôi nhớ rất rõ trong phiên họp HĐND thành phố vào năm 2003, một vị phó chủ tịch UBND thành phố đã khẳng định vấn đề này hết sức quan trọng và cần làm ngay. Thế nhưng, đã 5 năm trôi qua mà cốt nền vẫn không thấy đâu.

Tôi đề nghị trong kỳ họp này HĐND thành phố cần phải có hình thức cụ thể nào đó  - như văn bản chẳng hạn nhắc nhở, phê bình UBND thành phố về sự chậm trễ này”.

MỚI - NÓNG