TPHCM sẽ hạn chế gia tăng xe cá nhân

TPHCM sẽ hạn chế gia tăng xe cá nhân
“Năm nay, nguy cơ bùng phát số lượng ô tô rất cao, khi đó tình hình giao thông sẽ càng đáng lo ngại” - thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM cảnh báo.
TPHCM sẽ hạn chế gia tăng xe cá nhân ảnh 1
Ô tô ken kín đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) sáng 6.3 - Ảnh: Minh Đức

Theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ TP.HCM, chỉ trong 2 tháng đầu năm đã có thêm hơn 6.000 ô tô được đăng ký mới ở TP.HCM. Bình quân, mỗi ngày có trên 150 ô tô mới tham gia lưu thông. Cá biệt, có ngày trước Tết âm lịch, toàn bộ lực lượng đăng ký xe thuộc Phòng CSGT đường bộ phải làm hết tốc lực để đảm bảo đăng ký hơn 300 ô tô một ngày - con số kỷ lục từ trước đến nay.

Qua Tết, lượng ô tô đăng ký có chững lại, nhưng vẫn ở mức bình quân 130 - 140 xe/ngày. "Đây vẫn là mức rất cao so với vài chục xe/ngày ở thời điểm cùng kỳ các năm trước" - thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, phân tích thêm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng nhanh số lượng ô tô thời gian qua, như: kinh tế phát triển, nhiều người kinh doanh "được mùa", trong khi giá xe ô tô ngày càng giảm nên người dân sẵn sàng chi tiền sắm xe hơi; thủ tục đăng ký các loại phương tiện ngày càng đơn giản, tiện lợi...

Ngoài ra, những tin đồn về việc các cơ quan quản lý đề xuất nhiều biện pháp hạn chế xe cá nhân, cùng với việc thị trường xuất hiện nhiều loại xe nhập nguyên chiếc với mẫu mã phong phú, cũng kích thích người tiêu dùng mua sắm.

Xu hướng gia tăng đầu phương tiện của nhiều hãng taxi cũng tác động mạnh đến việc gia tăng lượng ô tô thời gian qua. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hãng taxi lớn trên địa bàn thành phố cũng đang chuẩn bị mua thêm một lượng xe đáng kể trong năm 2008 nhằm chiếm lĩnh thị phần. Chỉ riêng 2 "ông lớn" Mai Linh và Vinasun, dự kiến sẽ có khoảng 1.500 xe taxi mới được bổ sung trong năm nay.

Tính đến hết tháng 2.2008, toàn thành phố đang có trên 3,74 triệu xe cơ giới, gồm hơn 339.000 ô tô và hơn 3,4 triệu xe mô tô - gắn máy. Đó là chưa kể hàng triệu xe đạp, xe thô sơ và hàng trăm ngàn phương tiện cơ giới mang biển số ngoại tỉnh đang lưu thông trên địa bàn.

Trong khi đó, mật độ diện tích đường/diện tích chung ở thành phố từ nhiều năm nay vẫn không được cải thiện đáng kể, hiện chỉ ở mức khoảng 2% so với tiêu chuẩn 15-20% của một thành phố hiện đại.

"Nếu đem hết tất cả các phương tiện ra xếp thì diện tích đường không đủ chỗ chất xe, đừng nói chi tới chuyện lưu thông" - Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố Trần Quang Phượng, cảnh báo.

Thực tế hiện nay, tốc độ lưu thông của các loại xe cơ giới chỉ ngang ngửa với người đi bộ. Theo một khảo sát của ngành giao thông - công chính, tốc độ lưu thông của xe gắn máy trên nhiều trục đường chính chỉ khoảng 10 km/giờ, còn ô tô khoảng 8 km/giờ.

Hình ảnh thường thấy ở nhiều giao lộ hiện nay là ô tô xếp hàng dài chờ đèn đỏ và phải mất 2-3 chu kỳ đèn tín hiệu, xe mới qua được giao lộ. Nhiều tài xế tỏ ra sốt ruột, cho xe chen vào làn đường của phương tiện khác, hoặc bám sát đuôi xe trước nhích từng cm, nên khi đèn chuyển vàng, đỏ thì đậu chắn luôn cả chiều lưu thông đang được ưu tiên, dẫn đến xung đột và ùn tắc.

Sẽ hạn chế gia tăng xe cá nhân

Theo ông Trần Quang Phượng, để đảm bảo lưu thông, một mô tô, xe gắn máy cần khoảng 8-10m2 đường và một xe ô tô cần khoảng 30m2 đường. Với sự gia tăng phương tiện bình quân 1.500 mô tô, xe gắn máy và 150 ô tô/ngày như hiện nay, mỗi ngày thành phố cần thêm gần 20.000m2 đường!

Một trong những biện pháp hạn chế phương tiện xe cá nhân từng được thành phố đề xuất là thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại xe cá nhân. Sau đó, do có nhiều ý kiến khác nhau nên việc hạn chế phương tiện cá nhân cũng chỉ dừng lại ở mức đề xuất.

Tuy nhiên, cuối tháng 2.2008, trong buổi giám sát việc thực hiện pháp luật về giao thông của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín một lần nữa kiến nghị cho thành phố tiếp tục nghiên cứu đề án giảm sự gia tăng xe cá nhân.

Không nói cụ thể việc hạn chế theo phương thức nào, nhưng ông Tín cho biết: "Thành phố vẫn đang tiếp tục nghiên cứu đề án theo hướng có lộ trình giảm phương tiện cá nhân song song với gia tăng các phương tiện công cộng có sức chở lớn, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân".

Theo một nguồn tin của PV, đề án nghiên cứu lần này sẽ không chỉ đưa ra biện pháp hạn chế bằng việc thu phí sử dụng đường bộ, mà còn xem xét việc tăng một số loại chi phí đăng ký, tham khảo cả cách làm của một số nước trong khu vực như Singapore trong việc đấu thầu chứng chỉ sử dụng xe, quy định niên hạn sử dụng cho từng loại phương tiện... 

Theo Đức Trung
Thanh Niên

MỚI - NÓNG