TPHCM tính biến bãi rác thành... đô thị xanh

Hiện trạng hai bãi chôn lấp rác Đông Thạnh và Gò Cát. Ảnh: Văn Minh
Hiện trạng hai bãi chôn lấp rác Đông Thạnh và Gò Cát. Ảnh: Văn Minh
TP - Hiện nay, tại TPHCM có nhiều bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh, trong số đó có những bãi đã đóng cửa hơn chục năm qua, nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Thực tế, vấn đề xử lý hàng triệu tấn rác tại các bãi chôn lấp tạo quỹ đất sạch… vẫn đang là bài toán khó đối với thành phố. Vấn đề này được đưa ra tại cuộc gặp giữa lãnh đạo TPHCM với các doanh nghiệp xử lý rác thải ngày 10/8 tại TPHCM.  

Móc rác lên tái chế

Các bãi rác tại TPHCM đã đóng cửa có thể kể đến như: Bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) với diện tích chôn lấp 20 hecta, đóng cửa từ năm 2002 sau khi đã chôn gần 11 triệu tấn rác; Bãi rác Gò Cát (Bình Tân) có diện tích 25 hecta, chôn 5,3 triệu tấn rác và được đóng cửa năm 2007; Bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) ngưng tiếp nhận hoàn toàn từ năm 2013 khi đạt hơn 8 triệu tấn rác chôn lấp.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trong số các bãi trên có 2 bãi rác Gò Cát và Đông Thạnh đã đóng cửa hơn chục năm nay và đủ điều kiện để mời gọi nhà đầu tư vào xử lý.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thông tin, hiện nay có gần 10 doanh nghiệp, nhà đầu tư đề xuất tham gia cải tạo các bãi rác trên như: Cty TNHH KMDK Việt Nam; Cty TNHH Flamoff Việt Nam; Cty Naanovo Energy Inc (Canada); Cty TNHH Môi trường đô thị; Cty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland…

Hầu hết các doanh nghiệp này đề xuất phương án mở bãi để tiến hành xử lý và khai thác rác.

Một trong số doanh nghiệp trực tiếp gặp lãnh đạo TPHCM vào ngày 10/8 vừa qua. Ông Nguyễn Công Hồng, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland nhấn mạnh, điểm phát sinh ô nhiễm ở đâu thì xử lý tại chỗ đó, chứ không thể vận chuyển rác đang ô nhiễm đến một nơi khác để xử lý vì vừa gây ô nhiễm vừa tăng chi phí.

Ông Hồng đề xuất các giải pháp bóc tách toàn bộ rác chôn ở 2 bãi Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) để tái chế, tái sử dụng. Đây là kinh nghiệm đang được công ty áp dụng xử lý tại bãi rác Soi Nam (đóng cửa năm 2011) ở tỉnh Hải Dương.

Tại bãi rác Soi Nam, Cty Ecoland thực hiện xử lý triệt để rác ngay tại bãi, loại bỏ toàn bộ lượng rác đã chôn lấp trước đó. Rác chôn lấp trong bãi được công ty đào móc lên rồi làm khô. Sau đó, phân loại rác để tái chế, tái sử dụng: Rác hữu cơ, bùn đất được làm phân vi sinh; Rác nhựa, túi ni lông được làm hạt nhựa, sản phẩm tái chế; Rác kim loại được đúc thành bánh.

Số còn lại (khoảng 40%) được xử lý trong lò đốt 1000 độ C, xử lý triệt để cả dioxin. Phần xỉ tro sau khi đốt được dùng làm gạch sử dụng cho các công trình ngầm. Nước rỉ rác cũng được thu gom và xử lý đạt chuẩn, có thể rửa mặt.

Biến bãi rác thành khu đô thị

Ông Nguyễn Công Hồng cho biết, công ty đã khảo sát 2 bãi rác Gò Cát, Đông Thạnh và nhận thấy ô nhiễm phát tán xung quanh cả bên ngoài bãi rác. Những khu đất giáp ranh bãi rác cũng ô nhiễm và chỉ dùng để nuôi heo, chăn bò...rất lãng phí. “Nếu được giao xử lý, chỉ trong 2 năm công ty sẽ xử lý triệt để lượng rác ở bãi rác Gò Cát và 1 năm sau đó sẽ xuất hiện một khu đô thị xanh có sức hấp dẫn lớn trong vùng”, ông Hồng cam kết.

Sau khi nghe ý kiến từ nhà đầu tư, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, vấn đề xử lý rác được người dân thành phố và nhà đầu tư rất quan tâm. TPHCM xác định chuyển hình thức xử lý rác từ chôn là chủ yếu sang đốt rác thành điện là chính.

Tuy nhiên, theo ông Nhân, thực tế hiện nay, TPHCM có những bãi rác với lượng rác chôn lấp hợp vệ sinh là rất lớn, lên đến hàng triệu tấn và nằm đó từ nhiều năm. TPHCM rất hoan nghênh các đề xuất hiến kế của doanh nghiệp, nhà đầu tư để giúp thành phố giải phóng hàng triệu tấn rác chôn lấp nhiều năm, từ đó tạo ra quỹ đất phát triển đô thị.

“Nhiệm vụ của TPHCM là phải tìm cách xử lý những bãi rác đã chôn lấp để không tồn tại, không ô nhiễm môi trường xung quanh nữa. Ngoài ra, xử lý các bãi chôn lấp rác còn tạo ra nguồn quỹ đất phát triển công viên cây xanh, nhà ở…là rất cần thiết”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói. Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM ra “đầu bài”, xây dựng các tiêu chí đấu thầu xử lý các bãi chôn lấp rác trên địa bàn thành phố. Sở này phải sớm công bố để mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đấu thầu.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, người dân thành phố nói chung, các nhà khoa học, doanh nghiệp nói riêng chính là nguồn đóng góp sáng kiến cho sự phát triển của thành phố.

“TPHCM trân trọng các sáng kiến. Khi có đề xuất, sáng kiến thì ít nhất giám đốc sở ngành liên quan phải lắng nghe và đề xuất cơ chế để phát huy các đề xuất, sáng kiến này”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Xây dựng 2 nhà máy đốt rác thành điện

Đối với các dự án môi trường thành phố trong thời gian qua, TPHCM đã có chủ trương chuyển xử lý rác từ chôn là chủ yếu sang đốt và biến thành điện là chính. Phấn đấu trong tháng 9-10/2019, khởi công xây dựng 2 nhà máy đốt rác thành điện. Hiện nay, lượng rác thu gom hàng ngày trên địa bàn TPHCM khoảng 9.000 tấn rác, chủ yếu chôn lấp hợp vệ sinh đang tạo áp lực nặng nề về hạ tầng tiếp nhận, xử lý.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.