TPHCM 'trảm' các dự án rùa

TPHCM 'trảm' các dự án rùa
TP - “TPHCM giảm 10% chi tiêu công, song không cắt vô tội vạ mà chọn lọc, căn cứ tình hình thực tế để không ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các đơn vị” - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Đào Thị Hương Lan khẳng định trong chương trình Nói và Làm tổ chức sáng 3-4, bàn về kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Đại lộ Đông - Tây đang được TPHCM bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành Ảnh: LT
Đại lộ Đông - Tây đang được TPHCM bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành Ảnh: LT.

Không cắt tràn lan

Theo bà Lan, ước tính trong 9 tháng đầu năm 2011, TPHCM tiết kiệm được 196 tỷ đồng nhờ cắt giảm chi tiêu công như tạm dừng mua sắm ô tô, thiết bị văn phòng đắt tiền với khoảng 112 tỷ đồng. Việc cắt giảm chi tiêu ngân sách văn cứ vào nhu cầu thực tế, không làm tràn lan.

Chỉ những dự án chưa hoàn thành thủ tục, thiết kế, giải phóng mặt bằng, hiệu quả kém thì TPHCM mới kiên quyết ngưng thực hiện, ưu tiên vốn cho các công trình, dự án sắp hoàn thành, phát huy hiệu quả kinh tế, phục vụ dân sinh, chống ùn tắc giao thông...

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, TPHCM sẽ ưu tiên vốn ngân sách cho các công trình chuyển tiếp qua từng năm, đã hoàn thành trên 60% khối lượng. Đơn cử như dự án xây dựng ký túc xá sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM.

“Tuy phải giảm chi đầu tư xây dựng trụ sở, văn phòng song nếu trụ sở làm việc đã xuống cấp, sắp sập phải làm ngay. TPHCM đã rà soát, kiên quyết xử lý nên hiện nay các dự án kéo dài, không hiệu quả tuy vẫn còn nhưng đã giảm hẳn. Chúng tôi chỉ băn khoăn là việc khống chế tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại ở mức dưới 20%/năm của Ngân hàng Nhà nước có thể không phù hợp với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước của TPHCM” - Ông Lê Hoàng Quân nói.

TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội lưu ý mức tăng 20% vốn tín dụng tương ứng với con số hàng nghìn tỷ đồng nên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu phát triển nếu TPHCM phân bổ phù hợp, không để vốn chui vào đất đai, bất động sản. “UBND TPHCM nên ưu tiên vốn cho các công trình, dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo ra sự đồng bộ về hạ tầng, nâng cao hiệu quả sử dụng của công trình, dự án khác.

Cầu Phú Mỹ đã hoàn thành. Nếu tập trung vốn hoàn thành đường cao tốc TPHCM - Long Thành- Dầu Giây thì vai trò của cây cầu này sẽ phát huy rất cao. Công trình đại lộ Đông - Tây, hầm Thủ Thiêm sắp hoàn thành. Nếu triển khai nhanh dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi thì sẽ khai thác được hiệu quả của công trình” - Ông Lịch phân tích.

Hơn 12 tỷ USD đang ở đâu?

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, theo ước tính, từ năm 2005 đến nay, lượng kiều hối do kiều bào gửi về cho thân nhân ở TPHCM lên tới trên 20,2 tỷ USD. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng chỉ thu mua được 8 tỷ. Số còn lại đang được cất trữ trong dân và lưu thông trên thị trường tự do.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, TPHCM có trên 4.000 tiệm vàng, trên 1.800 bàn thu đổi ngoại tệ. Do đó, việc quản lý, ngăn chặn tình trạng mua bán ngoại tệ, vàng miếng không hề đơn giản. TS Trần Du Lịch khẳng định: Trước khi có Nghị quyết 11, các quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước không cho phép các tổ chức, cá nhân mua bán ngoại tệ, vàng miếng ngoài hệ thống ngân hàng.

“Không thể chấp nhận mua bán vàng, ngoại tệ như mua mớ rau ngoài chợ. Một mình Ngân hàng Nhà nước làm không nổi. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương đã không quản lý được địa bàn” - TS Trần Du Lịch nói.

Song ông Lịch cũng khẳng định, việc một số ngân hàng thương mại không bán ngoại tệ cho các cá nhân có nhu cầu đi công tác nước ngoài, du học là không bình thường bởi đó là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Nhà nước cần khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt như Visa Card khi ra nước ngoài; song thực tế, người dân cũng cần một lượng tiền mặt để mua sắm.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, nhu cầu sử dụng ngoại tệ chính đáng của người dân phải được đáp ứng. Hiện nay một số ngân hàng thương mại như Đông Á, Eximbank,... dành hàng triệu USD bán cho khách hàng có nhu cầu đi công tác, học tập ở nước ngoài và không thu phí.

Theo Phó GS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nếu kéo dài việc bán ngoại tệ không thu phí sẽ không khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ này (vì không có lãi). Ông Ngân phân tích: “Ở Việt Nam, giá ngoại tệ đã đụng trần. Nếu gộp phí vào giá sẽ vi phạm. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần sớm tháo gỡ vướng mắc này”.

“Trung ương dự trù cắt giảm 1.400 dự án, tiết kiệm 3.400 tỷ đồng là còn ít và chưa hiệu quả”.

Phó GS TS Trần Hoàng Ngân

“Phải mở rộng đối tượng vận động không tăng giá. Công nhân, chủ nhà trọ phải ăn, uống thuốc khi đau ốm. Vì vậy, cần vận động tiểu thương các chợ, nhà thuốc,…không tăng giá để đời sống của người lao động, công nhân bớt khó khăn”

Bà Nguyễn Thị Hậu,

Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển

PV

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG