TPHCM và Biên Hòa ngập sâu sau mưa

Người dân phải thức trắng đêm để cứu tài sản. Ảnh: Ngô Bình.
Người dân phải thức trắng đêm để cứu tài sản. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Cơn mưa lớn kéo dài vào chiều tối 9/9 và trước đó vào đêm 8/9 đã làm hàng loạt con đường, tuyến phố trên địa bàn TPHCM và TP Biên Hòa (Đồng Nai) bị ngập đến nửa mét làm hư hại nhiều tài sản, hoa màu, thiệt hại hàng tỷ đồng.

TPHCM: Dân trắng đêm chống ngập, cứu tài sản

Theo ghi nhận, cơn mưa trên diện rộng ở TPHCM kéo dài từ khoảng 15h chiều ngày 9/9 đến gần 23h đêm vẫn chưa dứt, khiến nhiều tuyến đường biến thành sông. Vào giờ tan tầm, người dân ra về phải lội bì bõm trong dòng nước hôi thối tràn từ dưới cống lên. Ở một số nơi, nước tràn từ ngoài đường vào nhà gây ngập nặng, đặc biệt là hàng chục hộ dân sống hai bên đường An Dương Vương quận Bình Tân, TPHCM.

Cơn mưa lớn kéo dài kèm theo đó là các miệng cống ngoài đường bị tắc khiến nước tràn vào nhà. Nhiều gia đình bị nước ngập lên đến ngang bụng, nhiều tài sản bị hư hỏng, người dân phải thức trắng đêm để cứu tài sản. Nhiều gia đình phải đắp bờ, dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài. Tuy nhiên, càng về đêm nước tràn vào càng nhiều nên đành bất lực lội nước đưa tài sản lên gác.

Nhà bị nước ngập quá sâu nên không thể sinh hoạt, nhiều gia đình mang võng, mùng mền ra ngoài đường, tìm nơi cao nằm để trông coi tài sản suốt đêm. Theo người dân, khu vực này thường xuyên bị ngập vào nhiều ngày nay, chỉ cần cơn mưa nhỏ là cả khu phố cũng bị ngập nước. Cũng theo những người dân sinh sống tại đây, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập triền miên là hệ thống cống thoát nước bị bít. Anh Nguyễn Văn Hà (40 tuổi, ngụ đường An Dương Vương, quận Bình Tân) nói: Nhiều ngày nay nước mưa tràn vào nhà. Những hộ dân xung quanh đây đa số kinh doanh đồ thể thao. Nước ngập vào quá nhanh, có người kịp thời đưa tài sản lên cao, còn có người không kịp cứu khiến nhiều máy móc, đồ điện bị hư hỏng”.

Còn anh Hồ Văn Lực (ngụ đường An Dương Vương) cho biết, từ đêm 8 đến 9/9, khu vực này liên tục bị ngập nặng, gia đình anh phải dùng kệ gỗ kê lên cao để tài sản khỏi bị ướt. “Trước đây, mưa to lắm cũng không bị ngập như thế này. Từ khi họ làm đường, mấy miệng cống bị bít lại nên chỉ cần cơn mưa nhỏ là đường đã ngập trắng băng, nước tràn vào nhà cao cả mét”, anh Lực nói.

Cơn mưa lớn chiều và tối 9/9 cũng làm hàng loạt con đường ở TPHCM bị ngập nặng như đoạn dưới chân cầu Rạch Chiếc, quận Thủ Đức, nước ngập lút bánh xe khiến nhiều xe máy bị chết máy khi chạy qua. Nhiều tuyến đường khác như Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, đường Tây Hòa quận Thủ Đức, các tuyến đường thuộc quận 6, quận 10, quận 11, Tân Phú, Gò Vấp... cũng bị ngập nặng, nước từ ngoài đường tràn vào nhà khiến nhiều tài sản của dân bị hư hỏng.

Biên Hòa: Nước tràn xé bung cửa nhà dân

Rạng sáng 10/9, do mưa lớn từ đêm trước, nước lũ đã cuốn trôi cây cầu Bà Cải bắc qua sông Buông, thuộc ấp Miễu,  xã Phước Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Cây cầu này dài 50m, rộng hơn 1m, được làm bằng gỗ, lan can và mặt cầu làm bằng sắt. Qua nhiều năm, cầu đã xuống cấp, nhưng đây lại là cây cầu độc đạo nối tổ 9, 10 với trung tâm xã. Cầu bị sập khiến hơn 500 hộ dân sống ở tổ 9,10 bị cô lập, trong đó có gần 2.000 học sinh hằng ngày đi qua cây cầu này để đến trường. Nước lớn, cầu trôi, người dân buộc phải đi đường vòng xa gấp nhiều lần.

Trước đó, cơn mưa lớn kéo dài từ 18 giờ đến 23 giờ đêm 8/9 được xem là trận mưa lớn nhất trong vòng 20 năm qua tại TP Biên Hòa. Mưa làm nhiều tuyến phố Biên Hòa đã bị ngập sâu, phường Trảng Dài gần như bị cô lập với trung tâm TP Biên Hòa do các ngõ vào phường đều bị nước chia cắt, nhiều loại phương tiện giao thông không thể lưu thông. Nhiều căn nhà, tài sản của dân đã bị hư hại nặng.

Lượng nước tràn về đã làm vỡ hàng loạt cửa kính của nhiều căn nhà, cửa kéo thì bị nước đẩy xô lệch. Ông Đỗ Quốc Hòa nhà ở phường Tân Phong kể lại: “Nghe kính vỡ loảng xoảng ở căn nhà bên cạnh, tính chạy ra xem thì bất ngờ cánh cửa kéo nhà tôi bị nước xé bung”. Nước đẩy văng ngay tủ kính đựng hàng hóa, rồi cuốn phăng xe máy ở góc nhà. Ông Hòa chạy vội vào trong gọi vợ con, bung cửa sau chạy thoát ra ngoài.

Sau cơn mưa, hàng trăm hộ dân trồng rau ở KP7, KP 8 phường Tân Phong đã gần như trắng tay khi hàng chục hécta rau đã tan nát. Thiệt hại về hoa màu trên địa bàn phường  khoảng 200 tấn rau, giá trị ước khoảng 1,8 tỷ đồng. Tại phường Long Bình Tân, diện tích bị ngập cũng lên đến khoảng 20.000m2.

Theo UBND phường Long Bình Tân, thì nguyên nhân gây ngập trong khu dân cư là lượng nước mưa từ Hố Nai và các khu công nghiệp Amata, khu công nghiệp Long Bình, Biên Hoà II... đều đổ dồn về khu vực Long Bình Tân để thoát ra sông. Trong khi đó, đường thoát nước duy nhất là suối Bà Lúa lại không đảm bảo nên nước chảy tràn qua khu dân cư. 

MỚI - NÓNG