TPHCM và Đồng Nai phối hợp xây cầu Cát Lái

TPHCM và Đồng Nai phối hợp xây cầu Cát Lái
TPO - Kinh phí xây cầu Cát Lái và cầu dẫn sẽ trích từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Đồng Nai và khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh này riêng phần đường dẫn trên địa bàn địa phương nào thì địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm đầu tư.

Ngày 25/4, Văn phòng UBND TPHCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM và tỉnh Đồng Nai về việc xây cầu Cát Lái nối quận 2 (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai)

Cụ thể: Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đã thống nhất về nguyên tắc theo đề xuất phối hợp của UBND tỉnh Đồng Nai về quy mô, thời gian thực hiện, nguồn vốn và hình thức đầu tư xây cầu thay phà Cát Lái.

Theo đó, TPHCM sẽ chịu trách nhiệm đầu tư phần đường dẫn phía bên TPHCM từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm đầu tư phần đường dẫn phía bên tỉnh Đồng Nai.

Phần cầu chính và cầu dẫn sẽ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Đồng Nai kết hợp hình thức hợp đồng BOT và BT (khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai).

TPHCM và Đồng Nai phối hợp xây cầu Cát Lái ảnh 1 Phà Cát Lái hiện nay thường bị quá tải, đặc biệt là vào dịp lễ, tết

Sắp tới, UBND TPHCM sẽ có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai dự án. Sở Giao thông vận tải TPHCM có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án cho tỉnh Đồng Nai.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, cầu Cát Lái có vai trò kết nối quận 2 (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), tạo động lực trong việc phát triển đô thị mới Nhơn Trạch. 

Trên cơ sở đề xuất đầu tư của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 194 và báo cáo của Sở Giao thông vận tải, vừa qua, UBND TPHCM đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây cầu thay thế phà Cát Lái. 

Theo đó, tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5km, quy mô mặt cắt ngang đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Tuy nhiên, sau đó UBND TPHCM chỉ đạo tạm dừng dự án cầu Cát Lái để xem xét đề xuất đầu tư dự án mới theo hình thức PPP. Đến nay, đề xuất dự án đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Trước tình hình đó, vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động làm việc với TPHCM để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng. 

TPHCM và Đồng Nai phối hợp xây cầu Cát Lái ảnh 2 Phà Cát Lái đã trở thành điểm nghẽn trong quá trình phát triển của hai địa phương được xem là năng động nhất vùng kinh tế trọng điểm

Cụ thể, tỉnh Đồng Nai đã chủ động đề xuất đứng ra xây dựng và trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án cầu Cát Lái với tổng kinh phí 7.200 tỉ đồng.

Tỉnh Đồng Nai kỳ vọng khi dự án hoàn thành và đi vào khai thác sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh này và cả TPHCM, nhất là thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch mà hai địa phương có thế mạnh.

Hiện nay, do tốc độ phát triển đô thị, nhu cầu đi lại tăng nhanh, áp lực giao thông trên các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái cũng ngày càng lớn, trong khi đó, phà Cát Lái không còn đủ đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân từ lâu.

MỚI - NÓNG