TPHCM: Xe buýt nhanh, triển khai chậm

TPHCM: Xe buýt nhanh, triển khai chậm
TPO -   Hà Nội đã hoàn thành, đưa vào hoạt động một tuyến xe buýt nhanh (BRT), góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, trong khi cả sáu tuyến BRT ở TPHCM vẫn còn trên giấy dù được nghiên cứu từ cách đây gần... 12 năm.

Chiều nay (10/1), đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM (UCCI) cho biết, tuyến BRT số 1 ở TP.HCM sẽ hoàn thành cuối năm 2018 và đưa vào khai thác đầu năm 2019.

Tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 có lộ trình đi dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với chiều dài toàn tuyến là 23 km. Điểm đầu tuyến tại bến xe miền Tây và điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái (quận 2), đi qua huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 6, 5, 1 và quận 2.

Tuyến BRT số 1 dự kiến dùng 28 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) loại 80 chỗ và chạy trên một làn đường riêng. Tại một số đoạn đường hẹp hay khi đi vào hầm Thủ Thiêm sẽ đi chung với các loại xe khác.

Theo tính toán của tư vấn thiết kế, với thời gian giãn cách 5 đến 10 phút/chuyến, sau khi đưa vào khai thác, tuyến BRT số 1 sẽ chở được 31.600 hành khách/ngày. Con số này được tính toán dựa vào số lượng người đi xe buýt số 39 từ Bến Thành đến bến xe miền Tây hiện nay.

Tuyến BRT số 1 giao cắt với các tuyến metro số 1, số 2, 3A và số 5. Toàn tuyến có 28 trạm dừng, 17 cầu đi bộ, 1 ga cuối tuyến, 1 bãi hậu cần kỹ thuật và 8 bãi gửi xe cá nhân.

Dự kiến, tuyến BRT số 1 sẽ có hệ thống giao thông thông minh (ITS) bao gồm hệ thống quản lý giao thông tiên tiến (tín hiệu giao thông thông minh, camera, hệ thống thông tin điện tử) và hệ thống vận hành quản lý xe buýt (hệ thống định vị toàn cầu, thiết bị giao tiếp).

Được nghiên cứu từ năm 2005, ban đầu, dự án tuyến BRT số 1 dự kiến sẽ khởi công trong năm 2014, hoàn thành vào năm 2018 nhưng sau đó liên tục điều chỉnh thời gian thực hiện và cho đến đầu năm 2017 vẫn còn trên giấy.

Do chậm triển khai nên kinh phí đầu tư đã đội lên mức 155 triệu USD (tương đương 3.247 tỉ đồng), trong đó vốn vay ODA là 142,2 triệu USD, vốn đối ứng là 13,6 triệu USD.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ là nhiều chuyên gia đã chỉ ra việc phát triển BRT tại TPHCM gặp rất nhiều vướng mắc. Các tuyến đường hầu hết nhỏ hẹp, khó bố trí một làn đường dành riêng cho xe buýt.

Ngoài ra, khi xây dựng BRT cần phải có hệ thống hỗ trợ như cầu vượt, hầm cho người đi bộ hoặc vạch sơn chỉ đường kết hợp đèn tín hiệu. Hệ thống tín hiệu ưu tiên cho xe buýt nhanh đặt gần hoặc tại các nút giao dễ gây ùn tắc giao thông.

Vừa qua, làm việc với UBND TPHCM, ông Michel Kerf, giám đốc chuyên ngành giao thông và công nghệ của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá dự án đang bị chậm ở công tác thiết kế. UBND TPHCM cần sớm phê duyệt ba vấn đề gồm đấu thầu; đền bù giải tỏa mặt bằng và thiết kế chi tiết.

WB đề nghị TPHCM xác định rõ sẽ ưu tiên xây dựng xe buýt nhanh (BRT) hay tuyến xe điện mặt đất (tramway) trên đại lộ Võ Văn Kiệt, bởi theo WB việc xây dựng cả hai dự án sẽ không đủ lượng hành khách để vận chuyển.

Ông Michel Kerf cho rằng nếu TPHCM xây dựng tuyến BRT dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt rồi làm thêm tuyến xe điện mặt đất (tramway) thì sẽ không khả thi vì khảo sát cho thấy lượng hành khách không đủ để xây dựng cả BRT và tramway ở đại lộ này.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, quan điểm của thành phố là ủng hộ dự án BRT còn dự án tramway vẫn nằm trong quy hoạch tổng thể giao thông của thành phố. TPHCM ưu tiên làm BRT trước, trong tương lai khi BRT đạt hết công suất thì mới triển khai thêm tramway.

Theo WB, hệ thống BRT đầu tiên trên thế giới được triển khai tại TP Curitiba (Brazil) vào năm 1974. Thống kê của tổ chức phát triển giao thông bền vững (EMBARQ), tính đến cuối năm 2012, đã có 147 thành phố trên thế giới áp dụng mô hình vận tải BRT với tổng chiều dài gần 3.800 km, lượt hành khách vận chuyển mỗi ngày khoảng 25 triệu lượt. Tại Việt Nam, được sự tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB), BRT đang được triển khai tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

6 tuyến BRT đã được Thủ tướng phê duyệt tại TPHCM

- Tuyến số 1: chạy dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với chiều dài gần 29 km.
- Tuyến số 2: Theo đường Nguyễn Văn Linh từ bến xe Miền Tây tới cầu Phú Mỹ, dài khoảng 24 km.

- Tuyến số 3: Dọc theo đường vành đai 2 từ ngã tư An Sương đến bến xe miền Tây mới có chiều dài khoảng 19 km.

- Tuyến số 4: Theo trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi từ đường Kha Vạn Cân đến công viên Chiến Thắng dài khoảng 14,5 km.

- Tuyến số 5: Theo trục đường Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong - nối dài ra đường Nguyễn Văn Linh từ ngã tư Bốn Xã đến đường Nguyễn Văn Linh dài gần 9 km.
- Tuyến số 6: Dọc theo đường Quang Trung, theo hướng tuyến Monorail số 3 dài khoảng 8,5 km.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.