TP.HCM: Xe đò thương hiệu đang bị “bóp chết”

TP.HCM: Xe đò thương hiệu đang bị “bóp chết”
Nhiều DN vận tải hành khách bỏ ra hàng chục tỉ đồng mua xe mới nhưng khi đưa xe vào bến thì bị các DN khác cùng tuyến đường không cho hoạt động. Vì sao lại có tình trạng như vậy?

Mới đây, tại Bình Định đã xảy ra một vụ tranh chấp chạy tuyến Tây Sơn - bến xe miền Đông giữa Hợp tác xã (HTX) xe khách liên tỉnh du lịch và dịch vụ Thống Nhất (gọi tắt là HTX Thống Nhất, TP.HCM) với HTX vận tải 31-3 Tây Sơn và HTX vận tải 1-5 Tuy Phước của Bình Định.

Theo đó, hai HTX ở Bình Định không cho HTX Thống Nhất đưa xe vào hoạt động vì chưa tham gia hiệp thương. Mặc dù trước đó các đơn vị vận tải ở TP.HCM và Sở Giao thông công chính TP.HCM có văn bản đồng ý cho HTX Thống Nhất vào hoạt động.

Một cán bộ Sở Giao thông công chính TP.HCM nói rằng các HTX vận tải ở Bình Định không cho xe của HTX Thống Nhất vào hoạt động vì doanh nghiệp đưa xe đời mới và phục vụ hành khách tốt hơn, các doanh nghiệp khác không cạnh tranh nổi.

Năm 2001 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành quyết định số 4127, đặt ra vấn đề hiệp thương trong hoạt động vận tải, mở đường cho doanh nghiệp mới tham gia nhằm tiến đến việc bãi bỏ cơ chế đối lưu 50/50.

Tháng 12-2005 Bộ GTVT lại ban hành quyết định số 09 thay thế quyết định 4127, trong đó tiếp tục thực hiện cơ chế hiệp thương trong hoạt động ôtô chở khách. Tuy nhiên, cơ chế hiệp thương vẫn không xóa bỏ được cơ chế đối lưu 50/50 mà còn bộc lộ nhiều điểm bất cập trong việc phát triển vận tải hành khách bằng ôtô tuyến cố định.

Quyết định này đã bị các doanh nghiệp cũ đang hoạt động trên luồng tuyến lợi dụng lấy số đông biểu quyết không cho doanh nghiệp mới ra đời hoặc biểu quyết khống chế thời gian hoạt động của doanh nghiệp mới.

Điển hình nhất là trường hợp doanh nghiệp Thuận Thảo chạy tuyến Qui Nhơn -TP.HCM bị khống chế buộc phải chạy xe trước 16g, trong khi doanh nghiệp Thuận Thảo yêu cầu chạy xe lúc 16g để phù hợp việc đi lại của hành khách.

Cơ quan chức năng bất lực

Tương tự vụ tranh chấp tuyến xe đò Tây Sơn - TP.HCM, vụ xung đột giữa doanh nghiệp vận tải và thương mại Thuận Thảo với các doanh nghiệp vận tải ở Qui Nhơn chạy tuyến Qui Nhơn - TP.HCM đã xảy ra từ tháng 4-2006 đến nay vẫn chưa có lối ra.

Các cơ quan chức năng như Cục Đường bộ, Sở GTVT tỉnh Bình Định và các doanh nghiệp liên quan đã họp bàn nhiều lần, thậm chí phải báo cáo Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Vậy là hàng chục tỉ đồng đầu tư xe mới của doanh nghiệp Thuận Thảo cũng như của xã viên HTX Thống Nhất bị “phơi nắng” từ nhiều tháng nay. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp mới, các hãng xe đò thương hiệu bị “bóp chết” ngay từ trong trứng nước.

Bà Võ Thị Thanh - giám đốc doanh nghiệp vận tải và thương mại Thuận Thảo - đề nghị trong khi chờ sửa đổi quyết định 09, Bộ GTVT cần cho xe Thuận Thảo xuất bến lúc 16g từ Bình Định vào TP.HCM, nhưng các cơ quan chức năng đều im lặng.

Ông Hồ Văn Hưởng - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách và du lịch liên tỉnh TP.HCM - cho rằng: “Bộ GTVT cần có biện pháp quản lý thống nhất trong cả nước về trật tự vận tải.

Thời gian qua mỗi địa phương quyết định theo cách riêng của mình, dẫn đến tình trạng cục bộ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải mới đưa xe vào hoạt động, đồng thời gây thiệt hại cho hành khách trong việc chọn xe và có dịch vụ phục vụ hành khách tốt nhất”.

Theo Ngọc Ẩn
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG