TPHCM: Xe khách liên tỉnh đồng loạt tăng giá vé

TPHCM: Xe khách liên tỉnh đồng loạt tăng giá vé
TP - Từ 0h00 ngày 1/2, toàn bộ hơn 170 tuyến xe khách từ Bến xe Miền Đông (TPHCM) về các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ bắt đầu tăng giá vé từ 8-14%.
TPHCM: Xe khách liên tỉnh đồng loạt tăng giá vé ảnh 1
Từ ngày 1/2, giá vé xe khách từ Bến xe Miền Đông, TPHCM đi các tỉnh sẽ tăng bình quân từ 8 –14% . Ảnh: Lê Thư

Trước đó, hai bến xe khác là Bến xe Miền Tây và Bến xe Chợ Lớn cũng đã quyết định tăng giá vé các tuyến lên từ 10 –20%. Lí do tăng giá vé được lãnh đạo các bến xe và doanh nghiệp lí giải là nhằm bù đắp chi phí nhiên liệu (xăng, dầu) tăng liên tục trong thời gian qua...

Tăng giá vé xe khách để bù lỗ?

Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, hầu hết các tuyến xe, giá vé mới cao hơn giá cũ 8%. Riêng các tuyến về Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lăk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum giá vé tăng bình quân 14% vì xe đi theo quốc lộ 13, 14 phải qua nhiều trạm thu phí.

Việc tăng giá vé là tất yếu trong bối cảnh giá vé cũ được áp dụng từ đầu năm 2003 trong khi từ thời điểm đó đến nay, giá xăng dầu đã tăng 6 lần và hiện đang ở mức cao gấp đôi so với đầu năm 2003. Giá xăng dầu tăng cao bất thường trong thời gian vừa qua đã gây không ít khó khăn cho các DN vận tải.

Theo một số DN đang khai thác tuyến xe TPHCM – Đắc Nông, nếu tính theo giá xăng dầu vào thời điểm đầu năm 2003, nếu chở đúng số người, số tải trọng theo quy định, DN thu lãi trên mỗi chuyến xe loại 30 chỗ là 400.000 đồng. Số lãi này đủ khả năng để DN trích khấu hao đầu tư mới phương tiện cũng như trả lương cho tài xế, phụ xe.

Cũng theo các DN vận tải, tính theo giá xăng dầu hiện hữu, nếu áp dụng giá vé cũ thì DN lỗ khoảng 190.000 đồng/chuyến. Từ những con số trên, theo các DN, chỉ có tăng giá vé lên mức hợp lý, vấn đề này mới được giải quyết một cách căn cơ. Với giá mới tăng thêm từ 10 – 30 nghìn đồng/vé, hầu hết người dân đều có khả năng đáp ứng được.

Xe khách “ăn theo” giá xăng dầu

Theo một số chuyên gia kinh tế, một khi giá nhiên liệu tăng cao, việc tăng giá vé xe khách là bình thường. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng phải đặt ra là tăng bao nhiêu mới hợp lí. Và, các DN đã dựa trên những tiêu chí nào để ấn định tỉ lệ tăng giá? 

Ông Ba T, một chủ xe khách chạy tuyến Vũng Tàu – TPHCM đã giải nghệ cho biết: Trong bối cảnh các chi phí khác hầu như không đổi, giá thành vận tải tăng thêm là do chi phí nhiên liệu tăng.

Do đó, mức tăng giá vé phải căn cứ theo định mức tiêu hao nhiên liệu tăng thêm trên mỗi km lộ trình cộng với tỉ lệ cố định các loại phí cầu đường (nếu có). Mức tiêu hao nhiên liệu tùy thuộc vào chất lượng, loại xe và đặc điểm của tuyến đường (đường tốt hay đường xấu).

Xe khách hiện nay hầu hết đều là xe đời mới, tiết kiệm nhiên liệu nên mức tiêu hao nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 30% so với cơ cấu tổng giá thành vận tải. Xe chất lượng càng cao, chi phí tăng thêm trên bình quân mỗi khách sẽ càng thấp.

Do đó, tuy giá xăng dầu tăng gấp đôi so với đầu năm 2003 nhưng tổng chi phí trên mỗi chuyến xe sẽ tăng không nhiều. Vì vậy, không có chuyện DN bị lỗ nặng khi vận chuyển đủ khách nếu xăng dầu tăng giá.

Lấy loại xe 50 chỗ chạy tuyến Vũng Tàu – TPHCM làm ví dụ. Nếu tổng chi phí là 500 nghìn đồng/chuyến thì phí xăng dầu chỉ chiếm khoảng 150 nghìn đồng. Giá xăng dầu tăng gấp đôi, phí xăng dầu sẽ tăng lên 300 nghìn đồng/chuyến.

Vì vậy mức tăng hợp lý nhất là chia đều 150 nghìn đồng phí xăng dầu tăng thêm lên số hành khách mỗi chuyến (50 người), tức giá vé chỉ tăng thêm 3 nghìn đồng/người.

Nếu giá vé là 30 nghìn đồng/người thì mức tăng tương ứng là 10%. “Ngay cả khi không tăng giá vé, DN vẫn có thể cho xe lăn bánh mà vẫn có lời (tuy ít đi).

Việc các DN hiệp thương và ấn định mức tăng giá vé trên tất cả các tuyến theo tỉ lệ phần trăm là chưa thực sự rõ ràng và thiếu thuyết phục. Không thể loại trừ khả năng một số DN lợi dụng tình trạng tăng giá xăng dầu tăng giá vé đồng loạt để trục lợi.”- ông Ba T nói.

Trước đó, trả lời trên một số báo đài, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh khẳng định: Giá vé do các DN tự quyết định sau khi tiến hành hiệp thương sau đó phải báo cáo lên Cục quản lí giá  - Bộ Tài chính. Sau 15 ngày nếu cơ quan này không có ý kiến thì DN mới có quyền áp dụng giá mới.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.