TP.HCM: “Xẻ thịt” biệt thự công

TP.HCM: “Xẻ thịt” biệt thự công
TP.HCM là một trong những địa phương có nhiều biệt thự giá trị, có cái được xây dựng cách đây cả trăm năm. Thế nhưng số biệt thự ngày càng mất dần...

Khu nhà 58 Trần Quốc Thảo (P.7, Q.3) diện tích khoảng 2.000m2, trong đó có một biệt thự cổ với diện tích khuôn viên khoảng 1.000m2.

Sau ngày 30-4-1975, khu nhà này do Bộ Xây dựng tiếp quản. Năm 1976, Bộ Xây dựng giao cho Viện Qui hoạch và thiết kế tổng hợp làm nhà ở tập thể.

Sau đó, Bộ Xây dựng có quyết định cấp cho hai hộ ở hai phòng trệt. Các hộ sau này lần lượt được Viện Qui hoạch và thiết kế tổng hợp, Ban quản lý công trình Nhà máy liên hợp ximăng Hà Tiên bố trí vào ở.

Theo UBND P.7, đến nay có 23 hộ ở khu vực này. Quá trình xây cất, cơi nới đã “vây kín” căn biệt thự. Phía mặt tiền đường Trần Quốc Thảo là dãy nhà kinh doanh, buôn bán. Khoảng cách giữa căn biệt thự và dãy nhà mặt tiền cũng được xây chen vào một dãy nhà ở khác. Toàn bộ khuôn viên biệt thự chật kín nhà...

Số liệu thống kê cho thấy đến nay số biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP đã được bố trí sử dụng, cho thuê gần 2.000 căn, phần lớn bố trí cho cán bộ, người có công...

Trong đó biệt thự có diện tích khuôn viên trên 1.000m2 là hơn 220 căn, biệt thự diện tích lớn hơn 500m2 đến dưới 1.000m2 hơn 440 căn...

Đến nay các cơ quan chức năng đã ký hợp đồng mua bán trên 1.700 căn biệt thự. Hiện Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP đang quản lý khoảng 160 căn biệt thự, trong đó biệt thự có diện tích trên 1.000m2 chỉ còn 50 căn, biệt thự từ 500-1.000m2 hơn 60 căn...

Các biệt thự này tập trung nhiều ở khu vực quận 1, 3.

Theo một cán bộ UBND P.7, những năm 1980 một số hộ dân được bố trí tại đây bắt đầu cơi nới, lấn chiếm để xây dựng thêm. Năm 1990, UBND TP có quyết định giao khu đất 58 Trần Quốc Thảo cho Công ty Phát triển nhà TP làm dự án chung cư cao tầng. Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP (đơn vị quản lý khu nhà) và các đơn vị liên quan có cuộc họp với các hộ dân để giải phóng mặt bằng khuôn viên.

Do không đạt được thỏa thuận đền bù nên các hộ dân không đồng ý giao mặt bằng và dự án không triển khai.

Hiện các hộ dân đề nghị mua nhà sở hữu nhà nước theo nghị định 61 nhưng chưa được giải quyết vì các hộ chưa thống nhất về diện tích chung, có khiếu nại lấn chiếm... Như vậy, ngôi biệt thự cổ trong khu đất này vốn đã bị chia năm xẻ bảy nay đang có nguy cơ biến mất.

Tương tự, biệt thự số 31 Lý Tự Trọng (P.Bến Nghé, Q.1) nằm ngay mặt tiền đường trung tâm, với diện tích khoảng 1.000m2. Nhưng nhiều năm nay phần khuôn viên biệt thự được trổ ra thành quán nhậu, bar... Căn biệt thự bị đẩy lùi vào bên trong, chỉ còn con hẻm nhỏ chưa đến 1m làm đường ra vào.

Căn biệt thự 121 Bà Huyện Thanh Quan (P.9, Q.3) do Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP quản lý. Nhiều năm qua, đơn vị này cho Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) thuê.

Bên thuê sử dụng một thời gian, sau đó cho thuê lại. Mặt bằng này có thời gian làm nhà hàng, quán nhậu và hiện nay Chi cục Thuế Q.3 tạm sử dụng trong thời gian xây trụ sở trên đường Võ Văn Tần. Căn biệt thự có khuôn viên khoảng 800m2 bị sử dụng sai công năng đang trở nên quá tải với vách tường được ngăn ra thành nhiều phòng, trổ ra nhiều cửa.

Tháng 5-2006, theo đề xuất của các đơn vị liên quan, lúc đó Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua yêu cầu chuyển giao căn nhà 121 Bà Huyện Thanh Quan cho Quĩ Phát triển nhà ở TP làm trụ sở, quản lý theo chế độ nhà công sản. Trước mắt, bàn giao ngay phần diện tích phía sau biệt thự cho Quĩ Phát triển nhà ở. Khi Chi cục Thuế Q.3 xây dựng xong trụ sở trên đường Võ Văn Tần sẽ bàn giao toàn bộ biệt thự.

Tháng 10-2006, UBND TP tiếp tục chỉ đạo UBND Q.3, Chi cục Thuế Q.3 bàn giao ngay phần diện tích sử dụng hơn 196m2 (trong đó diện tích nhà hơn 71m2, còn lại là sân trống) cho Quĩ Phát triển nhà ở. UBND TP giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP xây ngăn riêng biệt khuôn viên giữa hai cơ quan, nhưng đến nay chỉ đạo này vẫn chưa được thực hiện.

Nhiều biệt thự tại TP.HCM tập trung ở quận 1, 3, chủ yếu ở các tuyến đường Phùng Khắc Khoan, Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ... nhưng hiện nay phần lớn đã bố trí cho các cơ quan sử dụng và bị cơi nới, cải tạo, thậm chí xây dựng lại khiến các biệt thự cổ, có giá trị... bị thay hình đổi dạng.

Mất dần biệt thự đẹp, giá trị cao

Theo Sở Xây dựng, số nhà thuộc sở hữu nhà nước hiện nay được phân cấp cho nhiều cơ quan quản lý, sử dụng không đúng công năng. Nhiều đơn vị đã cải tạo, cơi nới thêm diện tích, làm phá vỡ cấu trúc ban đầu của biệt thự.

Số liệu gần đây của Sở Xây dựng TP cho thấy số biệt thự do Nhà nước quản lý trong mười năm qua giảm rất nhiều bởi các nguyên nhân: bàn giao cho các đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp; chuyển tài sản cố định hoặc bán cho các đơn vị; chuyển mục đích sử dụng và bán theo nghị định 61.

Nếu như trước năm 1995 chỉ riêng ngành nhà đất TP đã quản lý hơn 1.340 căn (bao gồm cả biệt thự, nhà phố...) với tổng diện tích trên 860.000m2 thì hiện nay đã giảm trên 970 căn. Trong khi đó số nhà tiếp nhận mới trong mười năm qua chỉ trên 100 căn.

Đối với nhà do Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP quản lý và thuê có 50 trường hợp đã cho thuê lại một phần diện tích. Công ty có văn bản đề nghị các đơn vị chấm dứt cho thuê lại và xử lý một số trường hợp. Sở Xây dựng cũng đề nghị cần thu hồi các mặt bằng có diện tích khuôn viên lớn, khu vực trung tâm các quận nội thành, nhà ở vị trí thuận lợi, nhà phố cấp 3... khi thực hiện phương án xử lý, sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.

Đầu năm 2007, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ không bán biệt thự, nhà mặt tiền có vị trí đặc biệt, giá trị cao. Một cán bộ của Bộ Xây dựng cho rằng các loại nhà này là đặc biệt, có giá trị nghệ thuật, giá trị kinh tế cao nên cần có qui định chặt chẽ để phát huy khả năng sinh lợi.

Thế nhưng với thực tế ở TP.HCM, số biệt thự đẹp, có giá trị cao hiện không còn nhiều, việc sử dụng các biệt thự hoặc nhà phố có giá trị cao cũng rất bừa bãi. Đó là một thực tế cần được chấn chỉnh.

Theo Phúc Huy
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG