Trả lời chất vấn ở Quốc hội:

Trả lời tới cùng, không đưa đẩy

Trả lời tới cùng, không đưa đẩy
TP - Chuẩn bị cho phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội dự kiến diễn ra từ 11 – 13/6 ở Hà Nội, có bộ trưởng cam kết sẽ trả lời tới cùng mọi chất vấn có bộ trưởng cho hay sẽ không đưa đẩy trách nhiệm bộ này qua bộ nọ...

Bên hành lang Quốc hội, Tiền Phong ghi lại ý kiến của một số vị bộ trưởng sẽ đăng đàn.

Bộ trưởng  KH&ĐT Võ Hồng Phúc: Sẽ trả lời tới cùng

Trả lời tới cùng, không đưa đẩy ảnh 1

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc

Hiện,  tôi nhận được chín ý kiến chất vấn chủ yếu tập trung vào  các vấn đề: Quản lý vĩ mô, các giải pháp kích cầu và chất lượng công tác dự báo; Về phát triển vùng, đặc biệt là phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL.

Ngoài ra, có một số câu hỏi về trường hợp cụ thể. Với những câu hỏi này tôi không trả lời trên hội trường mà sẽ có văn bản trả lời gửi trực tiếp đến từng đại biểu đã chất vấn.

Trong nội dung gói kích cầu, nếu có đại biểu chất vấn về  thẩm quyền của Quốc hội và  quyết định của Chính phủ,  Bộ trưởng nghĩ  sao?

Về gói kích cầu, tôi cho rằng Chính phủ hoàn toàn làm đúng quy định của pháp luật và đúng thẩm quyền. Những điều thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ đều có báo cáo và xin ý kiến.

Về chất lượng dự báo,  đúng là có yếu, nhưng trong điều kiện kinh tế bất thường thì dự báo là vô cùng khó khăn.

Trên diễn đàn chất vấn, khả năng đại biểu Quốc hội đặt ra  những câu hỏi gây sốc về một vấn đề nhạy cảm, lúc đó liệu ông có thấy ngại?

Tôi nghĩ, không có vấn đề gì nhạy cảm đến mức phải ái ngại khi trả lời trước Quốc hội cả. Tôi sẽ trả lời tới cùng các vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn.

Tôi không ngại những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm, có những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình, có cái thuộc trách nhiệm của Chính phủ, có cái thuộc bộ khác... cái đó mình phải nói rõ. Tôi luôn tâm niệm rằng, quan trọng nhất là nhận thức rõ trách nhiệm.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân: Không đưa đẩy trách nhiệm

Trả lời tới cùng, không đưa đẩy ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân

Tôi nhận được 19 câu hỏi chất vấn tập trung vào các vấn đề: lao động-việc làm, an sinh xã hội, chế độ cho người có công, người tham gia kháng chiến. Các vấn đề mà cử tri quan tâm như thất nghiệp, lao động nước ngoài vào Việt Nam thực ra không có gì nóng lắm.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, kể cả đang có dấu hiệu phục hồi thì vấn đề lao động-việc làm đều được người lao động nói riêng và xã hội nói chung quan tâm vì nó ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của từng người, từng gia đình; cũng như ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

Dường như, khi phải đăng đàn trả lời chất vấn ở Quốc hội, nhiều vị bộ trưởng đều cảm thấy ngại khi nói về trách nhiệm cụ thể.  Cá nhân bà thì sao?

Ra trước diễn đàn quốc hội, với tư cách là thành viên Chính phủ thì bộ trưởng phải nói rất rõ, Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tất cả các vấn đề, từng bộ trưởng thì phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mình quản lý; chứ không nên đưa đẩy trách nhiệm từ bộ này qua bộ nọ.

Còn việc phối hợp với nhau là việc của các bộ trưởng, đã trả lời trước Quốc hội thì bộ trưởng phải nói đến  trách nhiệm chính là gì. Còn việc phối hợp tốt hay  chưa mới là trách nhiệm của tập thể Chính phủ.

Bộ trưởng TN – MT Phạm Khôi Nguyên: Sẽ trả lời vấn đề bauxite và  vụ Vedan

Trả lời tới cùng, không đưa đẩy ảnh 3

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tôi  nhận được 13 câu hỏi chất vấn, trong đó có sáu câu về đất đai, ba câu về môi trường, một câu về khoáng sản, ba câu về tài nguyên nước.

Về đất đai thì  tập trung chủ yếu vào quản lý của Nhà nước với đất công, các dạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai, việc đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư, đất sân golf, đất nông nghiệp…

Về môi trường thì chất vấn liên quan đến dự án bauxite và chuyện xử lý ô nhiễm ở sông Nhuệ, sông Đáy và  Cty Vedan.

Việc hợp nhất sổ hồng với sổ đỏ, sao chưa  thấy đưa vào Luật Đất đai sửa đổi, thưa ông?

Luật Đất đai và Luật Nhà ở quy định rất khác nhau về chế tài, như sổ đỏ là bắt buộc. Trong năm 2008, dự kiến đưa việc hợp nhất này vào Luật Đăng ký bất động sản, nội dung sửa hai luật về chuyện hai giấy hợp nhất được chuẩn bị kỹ, nhưng rồi không được Quốc hội đồng ý.

Về tiến độ, Quốc hội đã thảo luận là thống nhất một giấy, còn đưa quy định đó vào luật nào thì chỉ là vấn đề kỹ thuật. Vấn đề cần giải quyết ngay là chuyện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thứ đến là việc hỗ trợ, đền  bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Dự kiến tháng 6/2009 sẽ ban hành nghị định của Chính phủ.

Nhưng bức xúc về đất đai lại không chỉ là chuyện hợp nhất  hai sổ?

Đúng. Chúng tôi đang chuẩn bị xin ý kiến Bộ Chính trị về một số vấn đề lớn: Thứ nhất là thời hạn giao đất. Thứ hai là chia đất cho nông dân thế nào.

Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ dự kiến bảy bộ trưởng trả lời chất vấn tại Quốc hội lần này gồm Bộ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu; Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh.
 

Phạm Tuyên
Ghi

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.