Trách nhiệm Bộ Xây dựng đến đâu vụ vỡ ống nước Sông Đà?

TP - Ông Lê Quang Hùng- Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) trao đổi với PV Tiền Phong, liên quan đến việc đường ống nước sông Đà liên tiếp vỡ trong thời gian vừa qua. 

Đường ống dẫn nước sạch sông Đà vỡ lần thứ 9, vậy trách nhiệm của Bộ Xây dựng đối với vấn đề này như thế nào, thưa ông?


Theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, thì việc tổ chức đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng thuộc về Chủ đầu tư – Tổng Cty Vinaconex và các nhà thầu có liên quan. Tại thời điểm đó Tổng Cty Vinaconex không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng và Vinaconex đã được cổ phần hóa và được chuyển về cho Tổng Cty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp này.

Là đơn vị giám định chất lượng của Bộ Xây dựng, Cục có tham gia đánh giá, nghiệm thu đưa công trình này vào sử dụng không?

Tại thời điểm đó, công tác quản lý chất lượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định 209 và theo quy định của nghị định này thì toàn bộ các giai đoạn từ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu do chủ đầu tư tổ chức quản lý chất lượng, không có quy định về việc cơ quan quản lý nhà nước tham gia trực tiếp trong quá trình kiểm soát chất lượng thiết kế cũng như chất lượng thi công, nghiệm thu. Cũng tại thời điểm trên, công trình này không thuộc danh mục công trình được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra hay nghiệm thu.

Tuy nhiên, trách nhiệm chung về quản lý nhà nước các công trình xây dựng trên địa bàn thuộc chính quyền địa phương. 

Nhiều lần vỡ trước, Cục đều đưa ra nguyên nhân chất lượng đường ống nước, nguyên nhân lần này do đâu, thưa ông? 

Bên cạnh chất lượng đường ống nước, nguyên nhân vỡ ống nước lần này do trong quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống. Lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống trong khai thác sử dụng. 

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của tuyến ống như: việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến đại lộ Thăng Long có tác động bất lợi lên đường ống; việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang, đường dân sinh trên tuyến ống; vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian (trong khi không có kết quả thí nghiệm chứng minh độ bền lâu của vật liệu chế tạo ống).

Để xảy ra sự cố vỡ đến lần thứ 9 thì trách nhiệm chính trong việc bảo đảm cung ứng nước sạch cho thành phố sắp tới sẽ ra sao?

Nhà đầu tư và Cty Quản lý khai thác nước Sông Đà có trách nhiệm phải thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký với các công ty cấp nước sạch của Hà Nội. Trách nhiệm thứ 2 là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho người dân.

Đối với nhà đầu tư (tổng công ty Vinaconex) cũng như nhà thầu thiết kế, thi công, nhà sản xuất đường ống, công ty vận hành tuyến ống phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống, trách nhiệm về sự cố xảy ra, trách nhiệm về việc vận hành đường ống, trách nhiệm khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế. Nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục đầu tư tuyến ống giai đoạn 2 theo đúng quy hoạch của dự án này. 

Về phía chính quyền địa phương là UBND TP Hà Nội cũng như Sở Xây dựng nhanh chóng vào cuộc, đưa ra các biện pháp hỗ trợ cấp nước cho các khu vực dân cư mất nước do tuyến ống bị sự cố.

Xin cảm ơn ông!

Trao đổi với PV Tiền Phong cuối ngày 14/7 qua điện thoại, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, hiện Tổng Cty đang cho người kiểm tra chất lượng công trình, xác định rõ nguyên nhân để thống nhất với Cục giám định có phương án cụ thể khắc phục về chất lượng đường ống nước trong thời gian tới. Cụ thể sẽ thông báo với báo chí trong 2 - 3 hôm nữa.

MỚI - NÓNG