Nhà hàng, tiệc cưới trong Bảo tàng lịch sử quốc gia:

Trách nhiệm của Bộ VHTT&DL đến đâu?

Nhà hàng bia Lan Chín trong Bảo tàng nhộn nhịp đêm ngày.
Nhà hàng bia Lan Chín trong Bảo tàng nhộn nhịp đêm ngày.
TP - Vì sao Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mang cả nghìn mét vuông của khuôn viên, thậm chí cả khu vực trưng bày ra cho thuê nhà hàng, tiệc cưới?

Giá thuê mặt bằng rẻ bất ngờ

Nhằm làm rõ hơn tình trạng cho thuê nhà đất tràn lan tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, sáng 14/4, PV Tiền Phong có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ông Cường cho biết: Hợp đồng ký với nhà hàng bia Lan Chín đã có từ khi ông chưa về bảo tàng công tác. Từ diện tích thuê ban đầu để mở nhà hàng bia là 150m2, bảo tàng đã chấp thuận cho bia Lan Chín mở rộng “liên kết” làm thêm 200 m2 “nhà chờ” cho khách tham quan. Đổi lại chủ nhà hàng bia Lan Chín cũng có quyền khai thác diện tích này. Toàn bộ diện tích lên tới 350m2 nêu trên đều bám lấy mặt phố Tràng Tiền. Theo như hợp đồng và thỏa thuận đàm phán thì một năm nhà hàng Lan Chín trả cho bảo tàng 600 triệu đồng.

Tương tự, nhà hàng Le Bon được bảo tàng cho thuê 300m2 khu đất hai mặt tiền phố Tràng Tiền và phố Phạm Ngũ Lão với kinh phí một năm khoảng 500 triệu đồng. Phần xây dựng nhà hàng Le Bon còn được xen vào khu trưng bày cổ vật khiến cho một số cổ vật gần như bị kẹt giữa khu kinh doanh dịch vụ của nhà hàng Le Bon. Nhà hàng tiệc cưới Thúy Cải dường như được ưu tiên đặc biệt khi được đặt vào chính khu vực “Câu lạc bộ em yêu lịch sử” và nơi trưng bày tác phẩm nghệ thuật đương đại trước đây. Toàn bộ khu vực nhà hàng Thúy Cải lên tới 400m2 và phía nhà hàng Thúy Cải chỉ phải trả 1 năm khoảng 600 triệu đồng. Nhà hàng cá tầm mặt phố Phạm Ngũ Lão cũng có diện tích hai tầng lên tới 170m2 và tiền thuê chừng 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, phần trông xe ô tô, theo Giám đốc bảo tàng mỗi năm cũng thu được vài trăm triệu đồng…

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Xuân Vinh - Trưởng phòng Quản lý công sản, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, giá thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước do thành phố quản lý khu vực quận Hoàn Kiếm hiện nay trung bình là 420 nghìn đồng/m2/tháng. “Với khu vực có vị trí đẹp, giá trị thương mại cao như Hàng Ngang, Hàng Đào giá cho thuê còn cao hơn”, ông Vinh nói. Đại diện lãnh đạo một công ty môi giới nhà đất cho biết, giá thuê thị trường với loại nhà mặt phố để kinh doanh trên các tuyến phố quận Hoàn Kiếm hiện dao động từ 500 nghìn đồng/m2/tháng đến hơn 2 triệu đồng/m2/tháng tuỳ theo vị trí. Nếu diện tích mặt đường rộng và có khuôn viên cảnh quan kèm theo thì giá còn cao hơn. Đại diện công ty môi giới khẳng định, giá cho thuê nhà đất của Bảo tàng Lịch sử như công bố của lãnh đạo cơ quan này như vậy chỉ vào khoảng 140 nghìn đồng/m2/tháng là mức giá thuộc diện rẻ bất ngờ! “Tôi biết những chỗ ấy rồi, không phải ai cũng thuê được đâu. Những chỗ ấy làm gì có qua đấu thầu đấu giá!”, vị đại diện cho hay.

Trách nhiệm của Bộ VHTT&DL đến đâu? ảnh 1 Nhà hàng Le Bon “vây” cả khu trưng bày cổ vật.

Bộ chỉ đạo thường xuyên?

Trao đổi về chỉ đạo của Bộ VHTT&DL liên quan đến hoạt động dịch vụ, cho thuê nhà đất, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay, Bộ đã nhiều lần có chỉ đạo trong những năm qua. “Nhiều năm nay Bộ cũng có chỉ đạo chấn chỉnh. Hầu như năm nào cũng có chỉ đạo chấn chỉnh, có báo cáo đánh giá về thực trạng. Nói chung là khoảng 10 năm trở lại đây chỉ đạo thường xuyên. Đầu năm nay cũng có chỉ đạo. Bộ chỉ đạo theo từng đợt, và bảo tàng cũng có báo cáo lên trên”, ông Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh. PV Tiền Phong đặt câu hỏi: Có bao giờ cán bộ bảo tàng bị kiểm điểm vì liên quan đến hoạt động dịch vụ không? “Chưa đến mức độ đó, chỉ là nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu. Thực ra thì các đơn vị của Bộ đều được chỉ đạo chung như thế”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, không hiểu phương pháp chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra của Bộ VHTT&DL ra sao mà dường như càng “chỉ đạo” thì diện tích nhà hàng, quán nhậu ở khuôn viên bảo tàng này càng tăng thêm. Từ căng tin với diện tích nhỏ ban đầu nay bảo tàng đã có cả một tổ hợp với 5 nhà hàng quy mô lớn lên tới hàng nghìn mét vuông với đủ loại từ nhà hàng Nhật Bản, nhà hàng cá tầm đến bia hơi Lan Chín, nhà hàng Le Bon…

Liệu với chỉ đạo chấn chỉnh của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL lần này, tình trạng “nhờn luật” có tái diễn như đã xảy ra cả chục năm qua?

Sáng 14/4, báo Tiền Phong nhận được đơn thư phản ánh của cán bộ, viên chức, người lao động của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Đơn thư bày tỏ sự đồng tình với thông tin trên báo Tiền Phong ,đồng thời đề nghị báo Tiền Phong tiếp tục làm rõ những tồn tại, trách nhiệm liên quan trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ của bảo tàng.

MỚI - NÓNG