Dự án đội vốn, kéo dài: ai chịu trách nhiệm?

Trách nhiệm mơ hồ, dân chịu thiệt

Đường sắt đô thị Hà Nội đội vốn chậm tiến độ kéo dài. Ảnh: Trọng Đảng
Đường sắt đô thị Hà Nội đội vốn chậm tiến độ kéo dài. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Trò chuyện với PV Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra thực trạng: Lập công trình dự án thì rất nhanh, nhưng khi triển khai thường rất chậm. Dự án đội vốn thường xảy ra, nhưng lại không mấy ai bị xử lý trách nhiệm, hậu quả đổ hết lên đầu dân.

Vốn càng “đẻ” ra, hiệu quả càng thấp

“Đội vốn” công trình là một vấn nạn được báo chí và công luận đề cập rất nhiều trong thời gian qua. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?

Như chúng ta biết, để triển khai được một dự án phải tùy thuộc vào từng khâu một. Đầu tiên phải xem dự án có vấn đề gì không mới quyết định đầu tư. Nhưng việc phân bổ vốn cũng chỉ là một giai đoạn đầu. Công trình muốn triển khai được thì liên quan đến Luật Xây dựng, đến chủ đầu tư. Và theo Luật Đầu tư, tất cả các công trình phải đưa vào kế hoạch dài hạn 5 năm.

Khâu duyệt vốn xong rồi, đến khi triển khai, tất cả phải được lập trình từ dưới lên trên. Trong trường hợp dự án chuyển xuống dưới, chủ đầu tư phải lập thiết kế, rồi trình Bộ Xây dựng thẩm định. Bước tiếp theo là tổ chức đấu thầu triển khai dự án. Nếu lại xảy ra vướng mắc, liên quan việc điều chỉnh vốn, lại phải báo cáo lên Bộ KH&ĐT, rồi lại quay về thẩm định lại. Mà khâu thẩm định lại còn mất thời gian hơn cả khâu thẩm định ban đầu.

Làm một công trình của tư nhân, khác hoàn toàn với làm dự án đầu tư công. Chẳng hạn, nếu chúng ta làm một cái nhà, tiền của chúng ta, làm theo nhu cầu của chúng ta. Tất nhiên so với ban đầu, bao giờ cũng có sự thay đổi, nhưng lúc đó chúng ta hoàn toàn quyết được ngay mà chẳng cần xin ý kiến ai cả. Thế nhưng, đối với vốn đầu tư công thì phải làm lại quy trình. Mỗi lần phát sinh lại phải làm lại, dẫn đến chậm dự án. Mà mỗi năm có tới 2 nghìn công trình trên toàn quốc tập trung vào 2 bộ, thử hỏi không chậm làm sao được?

Rồi cái chậm thứ hai, liên quan quá trình triển khai của chủ đầu tư, liên quan vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng… Tất tần tật các nguyên nhân cộng lại dẫn đến chậm dự án, đội vốn kéo dài.

Như vậy đội vốn công trình phải chăng là do thẩm định lỏng lẻo hay chủ đầu tư không dự trù được những vấn đề phát sinh?

Cũng không hẳn như vậy. Chúng ta làm ngôi nhà của mình, mặc dù ban đầu đã dự trù rất chuẩn rồi, thuê thiết kế đâu vào đó rồi, nhưng khi triển khai chúng ta có đảm bảo không phát sinh không? Rất khó! Tất cả các dự án đầu tư công hiện nay đa số phải điều chỉnh, có dự án “cá biệt” phải điều chỉnh đến 39 lần tổng mức đầu tư như Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Còn dự án phải điều chỉnh 5 - 6 lần là hết sức bình thường.

Thế nhưng có thể thấy, đầu tư công với đầu tư tư nhân của chúng ta có nhiều cái trái chiều. Một là đầu tư công, lập dự án thì rất nhanh, đến khi triển khai thì rất chậm, sai sót rất nhiều, hiệu quả rất thấp. Còn đầu tư tư nhân, người ta muốn làm cái gì thì họ chuẩn bị rất kỹ, triển khai rất nhanh, dẫn đến hiệu quả cao.

Tức là ở đây, khối đầu tư công có chuyện “vẽ” dự án ra rồi đặt vào đấy, còn phát sinh vốn này nọ thì tính sau. Từ đó dẫn đến rất nhiều hệ lụy, vốn càng “đẻ” ra, hiệu quả càng thấp đi, điển hình như đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM cùng vô vàn công trình dự án khác.

Trách nhiệm mơ hồ, dân chịu thiệt ảnh 1 Ông Đỗ Văn Sinh

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Theo ông, vì sao tình trạng nêu trên đã kéo dài vẫn chậm được khắc phục?

Vì như quy trình mà tôi vừa nói. Nguyên nhân nữa là không có kỷ cương, không ai chịu trách nhiệm. Nếu tiền đầu tư của cá nhân thì họ thấy xót, nên phải tiết kiệm, làm cho nhanh. Khắc phục tình trạng này vẫn là câu chuyện kỷ cương. Không thể đội vốn chẳng ai làm sao cả, kéo dài dự án cũng chẳng ai sao cả.

Vốn đầu tư phân cho người đứng đầu các bộ và địa phương, rồi đến các chủ đầu tư, người quản lý cụ thể. Thế nhưng, tôi chưa hề thấy một trường hợp nào triển khai chậm, kéo dài dự án, tăng vốn đầu tư mà bị kỷ luật cả, trừ trường hợp tham nhũng. Còn chậm và để lại hậu quả thì chưa thấy ai bị sao, kể cả người đứng đầu. Cuối cùng hậu quả đổ hết lên đầu dân. Cho nên điều quan trọng nhất ở đây chính là kỷ cương, chính là chế tài, trách nhiệm công vụ. Đầu tư công là công chức thực hiện, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng cái này làm chưa được, cần phải chấn chỉnh.

Riêng đối với hai dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM liên tục xảy ra đội vốn, kéo dài, giảm hiệu quả đầu tư. Theo ông, ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng này?

Tôi cho rằng, cả hai dự án này, lỗi khách quan và chủ quan đều có. Khi triển khai dự án, bao giờ cũng xuất hiện những yếu tố phát sinh mà chúng ta không thể lường trước được. Đó là yếu tố khách quan.

Nhưng về chủ quan, tôi cho rằng, có việc những người thực thi công vụ làm không hết trách nhiệm. Từ đó dẫn đến đội vốn, kéo dài thời gian. Khi xảy ra như vậy, người ta lại có rất nhiều lý do để giải trình một cách rất thuyết phục. Nhưng xin thưa, kể cả có giải thích thuyết phục đi chăng nữa thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Lẽ ra phải như vậy, nhưng ở đây lại chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Đối với chính trị gia ở các nước, là bộ trưởng của một ngành mà để xảy ra việc gì đó tác động xấu đến xã hội, dù họ không trực tiếp gây ra nhưng người ta cũng từ chức ngay. Còn mình thì đó là cả một câu chuyện, kiểm điểm tận nơi tận chốn rồi mà cũng chẳng sao cả. Chỉ rút kinh nghiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc là hết.

Tôi nhớ không nhầm thì đã có quy định về trách nhiệm người đứng đầu, nhưng thực tế chưa xử lý được ai nếu không bắt được tận tay. Còn người ký quyết định phê duyệt ư? Ừ tôi ký, nhưng do cấp dưới làm chậm, cùng lắm tôi cũng chỉ liên đới trách nhiệm, nên tôi lại… rút kinh nghiệm là xong. Thực tế của chúng ta đang là như vậy.

Cảm ơn ông !

“Vốn đầu tư phân cho người đứng đầu các bộ và địa phương, rồi đến các chủ đầu tư, người quản lý cụ thể. Thế nhưng, tôi chưa hề thấy một trường hợp nào triển khai chậm, kéo dài dự án, tăng vốn đầu tư mà bị kỷ luật cả, trừ trường hợp tham nhũng. Còn chậm và để lại hậu quả thì chưa thấy ai bị sao, kể cả người đứng đầu. Cuối cùng hậu quả đổ hết lên đầu dân”. Ông Đỗ Văn Sinh

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".