Trách nhiệm trước con đập

Trách nhiệm trước con đập
TP - Dư luận nhiều nước đang có nỗi lo lâu dài về việc đắp đập trên sông Mekong. Nhưng với dân Quảng Nam, Đà Nẵng, nỗi lo trực tiếp và lớn hơn là việc đắp đập trên các dòng sông ở địa phương.

Chỉ con đập của Nhà máy Thủy điện Đắc-Min 4 ở Quảng Nam, có thể bóp chết con sông lớn Vu Gia, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của hàng triệu người ở hạ lưu. Do làm trái quy luật, đắp đập ngăn sông Vu Gia, đem nước đổ sang sông Thu Bồn.

Riêng tỉnh Quảng Nam, tính đến thời điểm này, có 54 dự án thủy điện được phê duyệt và 14 dự án thủy điện chuẩn bị lập. Con số ấy lớn hơn tổng số các dự án thủy điện trên sông Mekong do Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia đã, đang và dự kiến xây dựng, cũng đến thời điểm hiện nay. Chặn sông quá nhiều mà chưa nghiên cứu thấu đáo, gây ra những biến động khó lường với thiên nhiên, xã hội.

Những tác hại nghiêm trọng ấy, rõ ràng không phải do “lực lượng thù địch bên ngoài” mà là trách nhiệm ở các cơ quan trong nước. Cụ thể là cơ quan nào, cấp nào? Để xác định chính xác, cần một cách đặt vấn đề và, để dễ hình dung, xin trở lại các buổi Quốc hội chất vấn thành viên chính phủ mới đây.

Về quản lý lao động người nước ngoài, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói, có trách nhiệm của các địa phương bởi là nơi trực tiếp cho phép. Về trường học không có nhà vệ sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, câu hỏi phải được gửi đến chủ tịch UBND tỉnh.

Tình trạng cấp phép sân golf tràn lan, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT trả lời, anh nào cấp phép đầu tư thì chịu trách nhiệm. Việc chia nhỏ các dự án trong khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời, chúng tôi không có thẩm quyền mà đây là quy hoạch bauxite đã được Chính phủ phê duyệt.

Những câu trả lời nghe qua có vẻ đúng nhưng nghĩ lại thì chưa đúng. Ở đây, đại biểu quốc hội thay mặt cử tri cả nước chất vấn Chính phủ chứ không chất vấn bộ trưởng; và bộ trưởng trả lời với tư cách được Chính phủ ủy quyền thay mặt chứ không phải với tư cách đứng đầu một ngành. Các bộ trưởng trả lời như trên, giống trong cuộc họp của Chính phủ.

Trở lại các dự án thủy điện ở Quảng Nam. Nếu nói về trách nhiệm trước nhân dân thì chính quyền phải chịu. Trong đó, có thể có Bộ Công Thương, Bộ KH-ĐT, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT hoặc cơ quan nào khác, kể cả UBND và Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam.

Cơ quan nào chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến đâu, sự phân nhiệm trong bộ máy chính quyền sẽ xác định. Còn trước nhân dân, các ngành và các cấp không thể đổ trách nhiệm lẫn nhau. Bàn về trách nhiệm trước mấy con đập lại đụng đến vấn đề quản lý của bộ máy hành chính. 

MỚI - NÓNG