Trại nấm mỡ công nghệ Canada trên cao nguyên

Bà Nghiêm thu hoạch nấm mỡ.
Bà Nghiêm thu hoạch nấm mỡ.
TP - Đây là mô hình đầu tiên ở miền Nam sản xuất nấm mỡ theo quy trình công nghệ lạnh với máy móc, thiết bị hiện đại. Nấm sạch và thơm ngon, hái xuống là có thể chế biến món ăn ngay.

Ông Tăng Thành Đức cùng vợ là bà Huỳnh Thị Nghiêm định cư ở Canada từ năm 1981, từng được Chính phủ vinh danh là người trồng nấm mỡ số một Canada vào các năm 1996 và 1997. Gia đình ông Đức sở hữu trang trại rộng hàng chục héc ta, mỗi ngày cùng các trang trại vệ tinh thu hoạch hàng ngàn tấn nấm, không chỉ tiêu thụ ở Canada mà còn xuất sang Mỹ, Nhật…

Hầu hết các công đoạn sản xuất đều tự động hóa

Năm 2010, ông bà trở về Việt Nam thành lập Cty TNHH Trồng nấm-Hoa Sen và mua 5 ha đất tại xã N’Thôl Hạ (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) để trồng nấm mỡ hay còn gọi là nấm trắng. Mũ nấm có đường kính 3-8cm hình tròn như nửa quả cầu. Cuống và mũ nấm đều có màu trắng trông khá đẹp.

Từng là kỹ sư cơ khí của Trường Đại học Kỹ thuật quốc gia Sài Gòn (nay là Đại học Bách khoa TPHCM), ông mua sắt thép về rồi tự tay thiết kế xây dựng nhà xưởng đồng thời cải tiến một số máy công cụ phục vụ sản xuất. Vợ chồng ông Đức cho biết để có dây chuyền sản xuất nấm mỡ ở Canada phải mất cả triệu USD, còn tại Lâm Đồng, với cách làm nói trên đã tiết kiệm đáng kể nguồn vốn đầu tư.

Sau khi thiết kế mô hình, đo vẽ, cắt sắt, ông chỉ dẫn cho mấy người thợ hàn những cái giàn bằng khung sắt để đựng giá thể trồng nấm. Đồng thời ông nhập khẩu bộ điều khiển trung tâm và các trang thiết bị như đồng hồ đo ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ… từ Canada. Phòng lạnh trồng nấm được hình thành với diện tích khoảng 2.500 m2, chia thành 6 gian, tất cả đều được xây dựng khép kín và lắp đặt các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. Mỗi gian được lắp 2 giàn khung sắt, mỗi khung có 4 tầng để trồng nấm.

Hầu hết các công đoạn sản xuất nấm đều được tự động hóa và cơ giới hóa nên khá bài bản, nhanh gọn, tiết kiệm được nhiều công lao động. Chẳng hạn chỉ trong vòng một ngày, ông Đức cùng hai công nhân có thể dùng xe và băng chuyền để chuyển 60 tấn giá thể lên các giàn trồng nấm. Giá thể được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có tại địa phương như rơm, cám gạo, bánh dầu, cây bắp, phân gà... Hỗn hợp này được ủ gây men, đưa vào lò đun nấu suốt mười ngày ở nhiệt độ 110 độ F để sát khuẩn. Sau khi làm nguội, được đưa vào các giàn sắt trong hệ thống phòng lạnh để trồng nấm.

“Trước kia, sau khi thu hoạch chúng tôi mang rơm và cây bắp ra đốt. Hơn một năm nay chúng tôi gom bán cho trại nấm Hoa Sen với giá vài ngàn đồng mỗi ký, cũng thu được khoản tiền kha khá đó!”, chị Nguyễn Thu Trang ở N’Thôl Hạ kể. Ông Đức cho biết thực tế rơm ở địa phương không đủ, ông phải mua thêm từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Lập trình trồng nấm trên máy tính

Đặc biệt, ông Đức nhập phôi nấm từ Canada rồi ký gửi tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để phân lập, cấy vào ống nghiệm. Mỗi tháng hai lần, vợ chồng ông đến Viện để lấy giống nấm về gieo trồng, mỗi lần trên 300kg. Việc trồng nấm được lập trình trên máy tính, nếu nhiệt độ hay độ ẩm cao, máy sẽ báo hiệu ngay để kịp thời điều chỉnh và tưới thêm nước. Nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm... bên trong phòng lạnh được điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn phát triển của nấm. Nhiệt độ thích hợp cho giai đoạn phát triển hệ sợi từ 24-28 độ C và giai đoạn ra nấm từ 15 đến 18 độ C. Sau 42 - 54 ngày nuôi trồng sẽ cho thu hoạch.

Chỉ mới bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ giữa năm 2014 nhưng chưa đầy một năm sau trang trại đã đạt sản lượng bình quân 10 tấn/tháng với giá bán 100.000đồng/kg. Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm nghiệm mẫu nước, giá thể và sản phẩm rồi cấp chứng chỉ VietGAP cho nấm mỡ của trại này. Bà Nghiêm cho biết nấm làm ra tới đâu bán hết tới đó, trở thành sản phẩm ưa thích của một số hãng hàng không quốc tế, các tàu du lịch nước ngoài... Còn theo ông Đức, giá thể sau khi trồng nấm được dùng làm phân bón và một doanh nghiệp chuyên sản xuất rau củ hữu cơ ở Đà Lạt đã nhận bao tiêu toàn bộ.

PGS.TS Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng cho biết từng có 4 công ty của Nhật và Đài Loan triển khai trồng nấm mỡ ở Lâm Đồng nhưng đều thất bại. Thật đáng mừng là quy trình công nghệ lạnh mà đôi vợ chồng Việt kiều mang từ Canada về đã thành công. Không chỉ mạnh dạn đưa công nghệ lạnh và hệ thống trang thiết bị hiện đại về nước, họ còn khá sáng tạo khi tự độ chế cho phù hợp với điều kiện của Lâm Đồng. Sản phẩm nấm của họ không chỉ đạt tiêu chuẩn VietGap mà chất lượng tương đương với loại nấm mỡ sản xuất tại Canada đang được nhiều nước nhập khẩu.

Cũng theo TS Thám, miền Bắc chỉ trồng được nấm mỡ vào mùa đông, còn ở miền Nam do khí hậu quá nóng nên chưa nơi nào sản xuất quy mô công nghiệp đối với loại nấm ưa khí hậu mát mẻ này. Trong tình hình thị trường nấm mỡ trên thế giới đang rộng mở thì thành công của gia đình ông Đức mở ra triển vọng lớn cho tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt. Nơi đây có khí hậu lạnh lý tưởng nên chỉ cần sự điều tiết nhỏ về nhiệt độ là có thể trồng nấm mỡ quanh năm, chi phí đầu tư thấp hơn các vùng khác.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.