Trái phiếu chính phủ: Lãng phí kép?

Trái phiếu chính phủ: Lãng phí kép?
TP - Với mức bội chi ngân sách 2009 dự kiến lên đến hơn 100.000 tỷ đồng, trong khi nguồn thu từ dầu khí nhiều khả năng giảm và hàng loạt khoản thuế phải giãn, giảm, hoãn…, phát hành trái phiếu Chính phủ - nguồn thu khả thi nhất để bù đắp, lại bị xem là đang lãng phí.
Trái phiếu chính phủ: Lãng phí kép? ảnh 1
Nhập lệnh đấu thầu trái phiếu do Cty Đầu tư & Phát triển đường cao tốc Việt Nam phát hành (Chính phủ bảo lãnh) ngày 16/12/2008  Ảnh: Phạm Hậu

TS Lê Thẩm Dương (ĐH Ngân hàng TPHCM) cho rằng: “Phát hành Trái phiếu chính phủ (TPCP) thực chất là Chính phủ đi vay rồi ngân sách trả nợ, dù lãi suất thấp”.

Khi phát hành TPCP, khá nhiều lý do đưa ra để chứng minh nguồn thu từ trái phiếu sẽ được chi tiêu hiệu quả. Nhưng thực tế thì đây là sự lãng phí ghê gớm như phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội Trương Thị Mai.

Đáng ngại nhất là hàng chục ngàn tỷ đồng phải trả lãi hàng năm nhưng vẫn nằm trong kho bạc vì giải ngân chậm. Năm 2007, tổng vốn TPCP có 22.000 tỷ đồng, nhưng giải ngân chỉ đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Năm 2008, giải ngân được 20.000 tỷ đồng, đạt 62 phần trăm. Từ năm 2003 đến nay, tổng số tiền giải ngân TPCP mới đạt 54 phần trăm kế hoạch.

Nếu tính cả những phần xin phát hành thêm, số tiền huy động cho cả thời kỳ 2003 – 2008 lên đến gần 300.000 tỷ đồng, nhưng tổng số giải ngân mới đạt gần 60.000 tỷ đồng!

Không chỉ lãng phí do giải ngân chậm, nhiều công trình đầu tư từ nguồn TPCP có tiến độ kéo dài đã đẩy vốn đầu tư lên cao và bị lãng phí kép. Nhiều dự án khởi công từ 2004 như Quốc lộ 32 đoạn Nam Thăng Long- Diễn (Hà Nội) nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong là những minh chứng cho sự lãng phí kép trên.

Cho đến nay chưa có cơ quan nào đưa ra con số mỗi năm Việt Nam lãng phí bao nhiêu từ tiền cất kho nhưng vẫn phải trả lãi và tổng vốn đầu tư bị đội lên do tiến độ chậm.

Đang có không ít ý kiến ủng hộ việc phát hành TPCP bằng ngoại tệ vì lãi suất ngoại tệ thấp, ngoại tệ trong dân còn nhiều, các ngân hàng dư thừa ngoại tệ đang muốn có đầu ra…

Tuy nhiên, ông Phạm Đỗ Chí, kinh tế trưởng của Vina Capital cho rằng “phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ có rủi ro khá lớn dù tiết kiệm được chi phí do lãi suất thấp. Nếu sau một năm, VNĐ yếu hơn USD, cần nhiều tiền hơn để trả cho trái chủ”.

Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài nhận định việc NHNN vừa tái khẳng định không phá giá VNĐ sẽ khiến việc phát hành TPCP ít rủi ro hơn nhưng diễn biến kinh tế thế giới không dễ để Việt Nam duy trì chính sách này.  

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định trong tình hình hiện nay, phát hành TPCP là cần thiết vì đây là một nguồn bù đắp bội chi khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính & Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Phải phát hành thêm TPCP vì ngân sách đang thiếu hụt lớn, và cần có nguồn bù đắp để duy trì tăng trưởng. Thuận lợi hiện nay là lãi suất các ngân hàng trong nước, ngoài nước giảm”.

TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định: Phát hành TPCP bằng ngoại tệ để huy động nguồn vốn từ thị trường nội địa vừa giúp nhà nước có thêm nguồn vốn để bù đắp thiếu hụt do bội chi ngân sách vừa giúp sử dụng hiệu quả nguồn vốn USD...

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.