Tràm Chim mùa lũ cạn

Nhà hàng giữa rừng.
Nhà hàng giữa rừng.
TP - Với mục tiêu làm một chuyến về miền Tây để được phần nào hòa mình vào không khí hoang sơ thuở “cha ông đi mở cõi”, chúng tôi chọn Tràm Chim mà tới. Vùng đồng nước rộng hơn 7.300 ha, một phần của Đồng Tháp Mười, theo suy nghĩ của chúng tôi, nơi đây ít nhiều lưu giữ hình ảnh của thời khẩn hoang, chim trời, cá nước, trôi nổi lục bình.

Vào rừng

Tuy nhiên, chuyến “thám hiểm” gặp khó khi Hai Tâm, chánh văn phòng vườn quốc gia cứ lần lữa, chẳng ra phản đối cũng chẳng ra đồng ý trước đề nghị của đám phóng viên trẻ máu phiêu lưu. Ông hẹn chúng tôi sáng mai trả lời rồi “ý nhị” mời chúng tôi tìm khách sạn xung quanh chờ đợi.

Sáng hôm sau, cuối cùng Hai Tâm cũng đồng ý cho chúng tôi một ngày tự do thám hiểm vườn chim, không theo lộ trình thông thường của khách du lịch. Trước khi chia tay, ông không quên dặn với theo là “nhớ trả tiền xăng dầu và công xá cho mấy anh em nhé”. Tức là trả tiền xăng xuồng máy chở vào rừng, trả tiền công lái xuồng cho mấy anh kiểm lâm viên.

Sau một hồi lái xe vòng vèo trên những đoạn đường hẹp, đất đá lổn nhổn, một bên đầy tre, một bên phơi toàn củ kiệu, chúng tôi tới trạm kiểm lâm T1. 

Trước đó, ông chánh văn phòng nói tới T1 thì gặp Ba Khôi, trưởng trạm. Sau vài câu trao đổi, chúng tôi cùng lỉnh kỉnh đồ đạc được đưa lên một chiếc xuồng composite, chạy tành tạch hướng vào vườn chim. 

Tôi quan sát xung quanh. Có cái gì là lạ. Rõ ràng đang giữa mùa lũ mà những cây tràm ven kênh lộ hết cả gốc. Vệt nước lũ những mùa cũ cách mặt nước cả nửa mét. Anh kiểm lâm viên có khuôn mặt hao hao giống diễn viên Lê Bình, vừa lái xuồng vừa bảo: “Năm nay nước cạn chưa từng thấy. 

Mà tui cũng hổng biết tại sao. Nghe đâu trên đầu nguồn người ta đắp đập chắn”. Ý anh là mấy cái đập ở Trung Quốc? Bỗng roạt roạt, mấy con chim to như con vịt nhưng cổ dài như cổ cò bay vụt ra từ mấy bụi tre. “Chim điên điển đó”. Ngộ ha, có bông (hoa) điên điển giờ lại có cả chim.

Dạo nọ tôi nghe chim điên điển ở Đồng Tháp không biết có phải vì cá tôm tự nhiên ngày càng hiếm không mà giờ còn mò vào ăn cắp cá trong ao nuôi của người dân nữa. Mấy con chim này làm tổ rất to, treo toòng teng trên cây rất dễ nhận thấy. 

Ông Năm Hồng, người hàng chục năm gắn bó với vườn Tràm Chim bảo, nếu anh điên điển đực nào làm tổ xoàng xĩnh thì nhiều khả năng “ế vợ”. Còn anh nào chịu khó làm “nhà” to, đẹp, chắc chắn thì kiểu gì cũng có người sớm khuya “đầu gối tay ấp”. Như người vậy!?

Đi khoảng vài cây số, chúng tôi “đổ bộ” xuống một thảm rừng. Chiếc xuồng quay đầu tành tạch rồi đi mất hút. Kể từ lúc này, chỉ có chúng tôi trong rừng tràm,  mênh mông đồng nước. Chợt nhớ ra phải thêm tí “cay” (rượu). 

Ôi thôi xong, bao nhiêu công chuẩn bị mà phút chót, được người ta đồng ý cho vào rừng, vui quá đâm ra quên mất. Trong lúc xuống xuồng, thấy ba anh người lạ mang cả máy quay phim, máy ảnh lại thêm bó cần câu, “diễn viên Lê Bình” có vẻ thắc mắc khiến tôi vội trấn an, rằng mấy anh em phóng viên vào rừng “làm phim” (chứ không phải đi câu cá trộm). 

Không thấy anh hỏi gì nữa. Sau này tôi mới biết những lo lắng đó là vô ích bởi người ta vẫn mua vé vào câu cá cả ngày trong khu Tràm Chim và chính chúng tôi sau đó cũng đụng mấy “cần thủ” trong rừng.

Bây giờ, việc đầu tiên là tìm chỗ trú. Trời khá nắng, nhưng với thời tiết vùng này, ở thời điểm này, mưa lớn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Chúng tôi chọn một điểm khá bằng phẳng, có tán cây tràm che nắng. Nếu mưa đã có bạt nylon, áo mưa cá nhân. 

 “Chỗ ở” coi như tạm ổn. Giờ đến việc kiếm thức ăn, nước uống sống “qua ngày”. Ngay giữa tràm chim (rừng tràm có nhiều loài chim cư trú) nhưng kiếm ra trứng chim để ăn với những kẻ tay mơ quả là nan giải. 

Ngó ra xung quanh chỉ thấy sen, súng, cây mai dương, tràm, tre và những đồng nước mênh mông. Tôi quyết định sống nhờ vào lũ cá dưới kênh. Các nhà sinh học nói ở vùng này, cá duồng, cá mang rổ, cá ét mọi, duồng bay, ngựa nam, cá lóc, cá thác lác, trê trắng, trê vàng, rô đồng… là những loài phổ biến.

Tràm Chim mùa lũ cạn ảnh 1

Chim rừng trong chợ thị trấn Tam Nông.

Nhưng chẳng biết dưới kênh kia nay còn cá gì bởi tình trạng đánh bắt quá mức đã diễn ra nhiều năm. Tôi bóp đủ loại mồi: cám ủ, ngô ngọt tẩm bơ, tôm, cá con… vào ba chiếc cần câu, hy vọng sẽ kiếm được bữa trưa.  

Nhưng ngồi 15 phút vẫn chưa thấy cái cần nào động đậy. Rồi vang lên tiếng xuồng máy, tiếng người cười nói râm ran. Đó là những xuồng chở khách du lịch. Lúc này chúng tôi mới phát hiện có một nhà hàng ở giữa rừng, cách chỗ chúng tôi vài trăm mét.  

Chiếc cần câu đầu tiên rung lên. Một chú cá ngựa nam, đuôi đỏ khoảng 3 lạng dính câu. Rồi một chú nữa. Trong vòng một giờ, chúng tôi lôi lên 6 chú cá. Coi như tạm bữa trưa. Nhưng điều lạ là câu đủ loại mồi, chúng tôi chỉ bắt được duy nhất cá ngựa nam.

Trưa. Chúng tôi chọn một chỗ an toàn để châm lửa nướng cá, bởi cũng biết quy định về phòng chống cháy rừng. Và rồi giữa rừng, từ phía nhà hàng, tiếng nhạc xập xình, tiếng hát hò phát ra từ loa công suất lớn. Ăn nhậu xong giờ đến màn “hát cho nhau nghe” đây. 

Và cũng nhờ nhà hàng, chúng tôi có thêm món khô cá lóc nướng, rượu nếp đóng chai, nước suối để lai rai cùng mấy con cá nướng. Dù vui vì có “tiện nghi”, tôi tự hỏi giữa vườn quốc gia, với những loài nhạy cảm như chim chóc, như sếu đầu đỏ quý hiếm mà nhạc nhẽo ầm ĩ như vậy là sao nhỉ.  Rồi tự trả lời: Khách có nhu cầu thì phải phục vụ thôi. Khách du lịch, chứ không phải chim, mới mang tiền tươi đến cho vườn quốc gia.

Bữa nhậu đêm

Đúng hẹn, khoảng 3h chiều, chiếc xuồng quay lại đón. Tạch tạch một lúc rồi cũng về đến bến. Ba Khôi, tôi đoán ngoài 50 tuổi, mặt đen thui, áo kiểm lâm quần đùi kéo chúng tôi vào mâm nhậu dở với ba người đàn ông, có cả kiểm lâm cả dân địa phương. 

Trên mâm là mấy con chim nướng, chân khẳng khiu dài ngoằng. Két bia đã vơi một nửa. Cuộc nhậu tàn sau thùng bia Sài Gòn thứ ba.

Đêm xuống. Chúng tôi ngỏ ý muốn đi theo đám nào đánh cá đêm và rồi cả nhóm được đưa tới nhà Sơn, ở xã Phú Thành B nằm trong khu vực vườn Tràm Chim. Sơn bảo đi xuyệc điện (chích điện) cho nhanh chứ lưới má gì bây giờ. Thế là cả nhóm kéo nhau ra đồng. Sơn bảo năm nay lũ cạn quá, mọi năm sâu 2m nước mà nay chỉ trên đầu gối chút. 

Tôi ngó ra cánh đồng ngập mênh mang, đen kịt. Một tiếng vịt càng cạc đằng xa. Sơn đuổi theo “vịt nhà ai lạc bầy”. Cậu trai ngoài hai mươi gí hai cây cần chích điện xuống nước. Con vịt xõa cánh, chới với và bị tóm gọn. 

Trong vòng một giờ, nhóm đi lòng vòng theo chân Sơn, không có nghề gì ngoài trông chờ vào mấy cái dớn bắt cá bống dừa, bống trứng, lòng tong và mấy cây cần chích cá. Nhà Sơn cũng như mấy trăm nhà khác trong vùng này, trông chờ vào con cá, cây rau trong vườn chim. Cá rô hạt bưởi, cá linh non, cá lòng tong, cá lóc con, cá lăng con, cua, rắn, lươn, chạch… Không tha, không bỏ con gì.

Tràm Chim mùa lũ cạn ảnh 2

Làm cá linh non nhậu đêm.

Chỉ một loáng với mấy tay bợm cùng nhau xúm vào, một nồi cá thập cẩm đủ thứ được bưng lên. Rượu lại đổ ra. Sơn, người có nhiều năm sống ở Campuchia, thích nghe “nhạc Miên” hơn nhạc Việt, bảo, nếu sau này nước cứ cạn như năm nay, chắc cậu phải tìm về quê nội sinh sống quá. Con cá, con tôm cứ ngày một hiếm, lũ cứ ngày một cạn. Rồi dân ở đây biết sống thế nào?


Sáng hôm sau, chúng tôi ghé chợ thị trấn Tam Nông. Điều ngạc nhiên với tôi là những con cá lau kiếng (cá lau kính, cá dọn bể) to tướng được bán làm thức ăn. Dân địa phương bảo giờ đi đâu cũng thấy cá lau kiếng. Mà loài cá ngoại lai đó ở đâu nhiều thì cá bản địa sẽ dần biến mất.

Đúng là chợ Tràm Chim có khác. Đủ loại chim trời được bán làm thịt. Những con chim to, lạ mắt đối với chúng tôi, chúng nằm im hoặc giãy giụa trong lồng chờ ngày tận số.

Chim ít dần, cá ít dần, lũ cạn dần. Tràm Chim rồi sẽ ra sao?

Người ta nói vườn quốc gia Tràm Chim chịu ảnh hưởng của lũ đầu nguồn sông Mekong, nhận nước qua hệ thống kênh nội đồng. Khu đồng trũng ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp này thường bị ngập lũ từ tháng 8 đến tháng 12. 

Chính vì muốn chứng kiến cảnh mùa lũ, bông điên điển, cá linh non mà chúng tôi chọn thời điểm trung tuần tháng 9 để lên đường tới Tràm Chim. 

Đồ đạc mang theo ngoài vật dụng thông thường còn có dao, bật lửa, áo đi mưa, ba chiếc cần câu cùng mồi câu dã chiến. Nghĩ đến viễn cảnh trong rừng hoang vu, tự tìm lấy cái ăn, cái uống, tự sinh tồn khiến chúng tôi thấy chộn rộn, cứ như mình là chú bé An “đất rừng phương Nam” trong văn Đoàn Giỏi vậy.


MỚI - NÓNG