Trảm thầu phụ, công trình vẫn ì ạch

Hơn 2 giờ chiều, nhưng chỉ lác đác vài xe lu hoạt động
Hơn 2 giờ chiều, nhưng chỉ lác đác vài xe lu hoạt động
TP - Dù đã “trảm” 4 nhà thầu phụ cách đây không lâu, nhưng trong một ngày phóng viên đi theo công trình dự án cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên nhiều việc vẫn ngổn ngang, thi công vẫn ì ạch...

> Khổ ải đường Hà Nội - Thái Nguyên

Lèo tèo phương tiện thi công

Dự án chia thành 4 gói thầu, nhưng nếu đến hiện trường chỉ thấy chia làm 2 đoạn rõ rệt: Phía Thái Nguyên mặt bằng sạch sẽ, phần Hà Nội mặt bằng thi công kiểu “xôi đỗ”.

Đại diện chủ đầu tư Ban QLDA 2, cho biết: Thông xe đúng hẹn 30-6-2013 chỉ có đoạn từ cầu Phù Lôi (giáp ranh Thái Nguyên với Hà Nội) đến cuối tuyến (nằm trên địa phận tỉnh Thái Nguyên) dài hơn 29 km.

Tuy nhiên, dù mặt bằng tốt, trái với hình dung cảnh công trường tấp nập, hối hả là không khí hiu hắt. Mặc dù thời điểm phóng viên có mặt trên công trường vào khoảng 10 giờ sáng ngày 25-10. Lác đác chỉ có vài xe lu, xe xúc hoạt động.

Tương tự, vào 14 giờ chiều tại đoạn gần cuối dự án, cũng chỉ có vài công nhân đủng đỉnh làm việc. Phó phòng Điều hành Dự án 5 (Ban QLDA 2) Mạc Văn Nghiệp lý giải: “Có những đoạn vừa đổ xong mặt bằng đang chờ nghiệm thu nên rút bớt máy móc”.

Dù chỉ còn 8 tháng nữa buộc phải thông xe, nhưng hãn hữu có vài đoạn cuối tuyến đã được đổ đá dăm nền đường. Cả con đường nền đất rộng, chỉ thấy lèo tèo vài phương tiện thi công.

Đáng chú ý, trước đó 1 ngày, Ban QLDA 2 đã báo cáo Bộ GTVT hơn 20 nhà thầu năng lực yếu và đề nghị thay thế.

Các nhà báo cứ nhìn nhau tự hỏi: Hình như nhà thầu sợ nắng nóng, hoặc chủ quan vì 8 tháng còn lại thừa năng lực để vượt qua điều kiện thời tiết để hoàn thành các hạng mục quan trọng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc.

Tại văn phòng của Ban QLDA đóng gần cuối tuyến đường, khi báo chí muốn phỏng vấn Tư vấn Giám sát trưởng Hidefumi Ezawa người Nhật Bản, phải có đến 3-4 người vào cuộc mới có thể dịch được vài câu đơn giản liên quan đến việc giám sát các nhà thầu.

Một cán bộ tại đây nói: “Chúng tôi vừa thay phiên dịch nên người mới chưa quen”.

Cuối cùng, một cán bộ được gọi đến cũng truyền tải vài ý từ ông Hidefumi Ezawa cho báo chí đại ý: Một số nhà thầu không đủ năng lực làm, thiếu máy móc trang thiết bị vật tư để đáp ứng tiến độ dự án đã được thay thế. Ông Ezawa thừa nhận, tỷ lệ nhà thầu chưa làm hết sức, chưa tăng ca, nhiệt tình với công việc.

Khi được hỏi Tư vấn Giám sát có sát sao các nhà thầu không? Ông Ezawa nói vẫn làm thường xuyên.

Ngoài ra, việc hợp tác giữa nhà thầu thi công với người dân địa phương gặp nhiều khó khăn do đường vận chuyển vật liệu vào công trình nhiều khi gặp trắc trở dẫn đến công đoạn vận chuyển vật liệu bị gián đoạn đã làm chậm tiến độ.

Liên quan tới việc, nhiều đoạn mặt bằng chưa thông khiến thi công không liền mạch, ảnh hưởng tới chất lượng đường cao tốc, vị Tư vấn Giám sát trưởng nói: “Việc thi công chỉ bị ảnh hưởng đến trình tự các dự án còn chất lượng sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ”.

Đại diện chủ đầu tư, nhà thầu cùng… thề

Trao đổi hiện trạng trên với một lãnh đạo Bộ GTVT, vị này cho biết Ban QLDA 2 (đại diện chủ đầu tư) và một nhà thầu được đánh giá có tiến độ chậm nhất hiện nay là Tổng Cty Xây dựng Thăng Long, đã thề sẽ hoàn thành đúng tiến độ đã công bố.

Đáng lưu ý, Tổng Cty Xây dựng Thăng Long là một trong 2 nhà thầu đã thắng cược tiến độ với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khi hoàn thành trước nhiều tháng ở dự án đường cao tốc trên cao (Vành đai 3 Hà Nội).

Chiều 28-10, Tổng GĐ Tổng Cty Xây dựng Thăng Long Phan Quốc Hiếu khẳng định: “Vừa qua, tại dự án cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, chúng tôi có chậm một chút vì vướng giải quyết thủ tục tài chính. Tuy nhiên, tôi vẫn đảm bảo phần việc của mình đúng tiến độ”.

Khó khăn lớn nhất tại dự án này chính là giải phóng mặt bằng ở phía Hà Nội. Có nhiều đoạn thậm chí đơn vị thi công chưa làm gì; có đoạn đường cứ thi công, nhà dân vẫn cứ ở chặn trên nền đường.

Kỳ khôi nhất, có một đoạn chính các cơ quan nhà nước (Bộ GTVT và ngành điện) vướng với nhau mà chưa giải quyết nổi dù đã có ý kiến của Chính phủ từ lâu. Đó là đoạn cầu vượt của dự án trên địa phận Đông Anh (Hà Nội) vì vướng đường dây truyền tải điện 110 KV mà phải dậm chân tại chỗ khoảng 2 năm.

Dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) được khởi công cuối năm 2009 và ấn định thời gian hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6-2013. Chiều dài 61,3 km, điểm đầu tuyến Km0+000 (Km152+400 QL 1A mới), điểm cuối Km63+313 (Km62+860 tuyến tránh Thái Nguyên); mặt cắt 34,5 m, vận tốc thiết kế 100 km/h, 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp.

Để “thúc” tiến độ, Ban Quản lý Dự án 2 đã báo cáo Bộ GTVT 24 nhà thầu phụ yếu và đề nghị thay thế.

Một quan chức Bộ GTVT cho biết đã nhận được danh sách này và đồng ý với đề xuất trên, cho thay thế nhà thầu yếu và điều chuyển phần việc đó cho những nhà thầu có năng lực khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG