Trần ai vào Nam sau Tết

Những chuyến xe hành xác sau Tết. Ảnh: hồng vĩnh
Những chuyến xe hành xác sau Tết. Ảnh: hồng vĩnh
TP - Sau Tết, tình hình tàu xe luôn căng thẳng, nhất là tuyến Bắc- Nam. Nhiều người dân phải căng sức, gồng mình trên những chuyến xe, chuyến tàu, thậm chí bất chấp cả nguy hiểm để trở lại TPHCM làm ăn.

Chạy xe máy 900 km

Đó là cách mà nhóm bạn của Nguyễn Thị Hà Xuyên, quê Quảng Ngãi đang làm việc tại TPHCM thực hiện để vào lại thành phố này ngày 9/2 sau khi về quê nghỉ Tết. “Nguyên do cả nhóm chạy xe máy từ quê vào Sài Gòn với quãng đường gần 1.000 cây số cũng vì không mua được vé tàu xe. Còn nếu mua được thì giá cũng cao quá, mua xong cũng chẳng còn mấy đồng để tiêu pha”, Xuyên nói.

Trần ai vào Nam sau Tết ảnh 1

Những chuyến xe hành xác sau Tết. Ảnh: hồng vĩnh

Theo Xuyên, giá vé từ Sài Gòn về Quãng Ngãi và ngược lại trong dịp này cũng phải trên dưới 1 triệu đồng, trong khi đó, có người xếp hàng cả nửa ngày cũng chưa chắc có vé. Bên cạnh đó, thêm chiếc xe máy đi theo người cũng mất hơn 500 ngàn đồng. Nhiều nơi không cho gửi xe vì hàng hóa nhiều. 

“Về tết mà không có xe thì không biết đi đâu, còn để xe lại thì không an tâm vì trộm bữa nay nhiều quá. Trong khi đó, nếu hai người cùng đi xe máy thì chi phí chỉ còn khoảng 1 triệu đồng ”, Xuyên nói thêm.

Tuy nhiên, với hành trình gần 1.000km thì không thể nói là đơn giản. Xuống xe dắt bộ, đeo theo đủ thứ đồ đạc giữa trưa nắng chang chang vì xe thủng lốp hoặc hết xăng nhưng không thể tìm thấy cây xăng ngay là những thử thách đầu tiên.

Nhiều đoạn đường nhỏ, xe đông nên cả nhóm phải ép sát lề đường, mương nước. “Ngày tết nên xe người ta chạy ẩu lắm, nhiều đoạn đường nhỏ có một tý mà hết xe này vượt đến xe khác vượt khiến bọn mình phải nép xuống lề, có khi phải dừng lại đợi xe vượt xong mới dám chạy tiếp. Đặc biệt, những đoạn không có công an, họ tha hồ phóng”, Xuyên nói.

Khi đến thành phố Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận), nhóm của Xuyên quyết định nghỉ qua đêm ở đây. Tuy nhiên, giá nhà trọ quá cao khiến cả nhóm phải chạy lòng vòng để tìm nhà trọ với giá 80.000 đồng/phòng. Theo Xuyên: “Vì đi có cả trai và gái nên nhóm em phải thuê hai phòng, may mà tìm được nhà trọ rẻ chứ không thì cũng phải tốn thêm một khoản chi phí nữa rồi”.

“Về tới thành phố mà người đầy bụi bặm, mặt mũi đứa nào cũng đen xì, bơ phờ; ngồi xe gần hai ngày mà ê cả mông, lưng đau như dần, may mà không có biến cố gì lớn”, Xuyên nói.

Chiều ngày 10/2, với bộ quần áo xộc xệch, gương mặt phờ phạc, sau xe lỉnh kỉnh đồ đạc, anh Đoàn Minh Tài (23 tuổi, quê Khánh Hòa) cùng ba người nữa chạy xe máy từ Khánh Hòa vào tới TPHCM với quãng đường gần 500 km.

Theo anh Tài, ngày về cả người lẫn xe máy tốn gần 1 triệu đồng/vé còn nếu đi xe máy thì hai người chỉ tốn khoảng 500 ngàn cả tiền xăng lẫn tiền ăn. Sau tết, cả bốn người quyết định rủ nhau đi xe máy vào vì muốn tiết kiệm khoản tiền đi xe khách để phụ giúp gia đình. “Chạy xe máy hơn 500km đường trường có thể gặp nhiều nguy hiểm, nhưng nghĩ bốn người có thể tiết kiệm hơn 3 triệu đồng nên cả nhà rủ nhau đi xe máy. Với lại đi xe khách mà bị nhồi nhét thì còn khổ hơn xe máy nhiều”.

Anh Tài cho biết thêm, mặc dù đi xe máy có thể tiết kiệm được một khoản kha khá nhưng dọc đường đi cũng gặp không ít cảnh dở khóc dở cười mặc dù đã chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước. “Trước lúc đi tôi đã kêu mọi người đổ xăng đầy bình rồi. Nhưng chạy dọc đường quên không để ý kim xăng, đến đoạn giữa cánh đồng không có một ngôi nhà thì xe hết xăng. Thế là cả nhà phải dắt xe gần 5 km mới kiếm được cây xăng. Mà dắt chiếc xe không đã thấy mệt rồi, đằng này dắt chiếc xe cồng kềnh nặng như xe bò. Tới cây xăng thì gần như đứt hơi luôn”.

Ôm con gần hai ngày trên tàu

Trên chuyến tàu TN3 từ Hà Nội về tới Sài Gòn trưa 10/2, chúng tôi bắt gặp hình ảnh mệt mỏi của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Hương, quê ở Hà Nam vào TPHCM làm ăn gần chục năm nay. Theo chị Hương, từ quê chị vào đến đây phải mất gần 2 ngày 2 đêm mà trên tàu hầu như không còn chỗ trống. 

Trần ai vào Nam sau Tết ảnh 2

Anh Tài (xe máy hàng đầu, dấu x) chạy xe 500 km trở lại TPHCM sau Tết

“Vợ chồng tôi may mắn có được ghế chính (nhờ mua vé từ trước Tết), tưởng đâu được thoải mái, ai ngờ trên toa không còn một chỗ trống, người ngồi vất vả vật vưỡng, không khí ngột ngạt”, chị Hương nói.

“Đã bốn năm rồi, vợ chồng tôi mới về lại quê hương nhưng thấy cảnh tượng này, chắc là năm sau dồn tiền để mua máy bay giá rẻ mà về còn không thì ở lại đến hè về luôn, chứ đi kiểu này mình còn phát ốm chứ nói gì con cái”, chị Hương nói thêm.

“Vé về tết mua đã khó mà giá lại còn cao, mua vé xong thì chẳng còn mấy đồng mà tiêu tết nên rủ nhau đi xe máy cho tiết kiệm. Nhiều đoạn đường nhìn xe chạy mà thót tim, rồi phải dắt xe đi bộ giữa trưa nắng, ngồi ê mông, lưng đau như dần…”. 

Nguyễn Thị Hà Xuyên

Cũng chuyến tàu đó, đại gia đình của chị Tâm (quê Thanh Hóa) khổ sở không kém. Chị Tâm có đứa con nhỏ chưa đầy hai tuổi, trên tàu thì chật chội và nóng bức khiến đứa con cứ khóc mãi. “Có được ghế chính mà cũng như không bởi làm gì còn chỗ, muốn đi vệ sinh cũng phải bước từng bước rón rén, luồn lách chứ không thì va người này, chạm người kia”.

“Trước khi lên tàu, vợ chồng tôi mua thêm chiếc chiếu nhỏ định để trải giữa sàn cho con nằm ngủ, ai ngờ đông quá, chỗ ngồi còn không thoải mái lấy đâu mà nằm, cuối cùng, hai vợ chồng phải thay nhau bế mãi đứa con trên tay để ru cho nó ngủ gần hai ngày trời, thiệt là khổ”, chị Tâm nói.

Ngọc Diệp (quê Quảng Bình, sinh viên trường Cao đẳng Y tế TPHCM) cũng bị hành xác trên hành trình trở lại TPHCM học tập. Theo Diệp, do nhà xa trung tâm thành phố nhưng lại nằm gần Quốc lộ 1A nên trưa ngày 7/2, Diệp đứng bắt xe ở xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) để đi cho tiện. Tuy nhiên, hơn hai tiếng đồng hồ vẫy xe mà không chiếc nào dừng lại, cuối cùng, Diệp phải lên chiếc xe “chất lượng thấp” chạy từ Hà Tĩnh.

“Ngồi trên xe mà như cực hình, xe khoảng 40 chỗ mà họ nhồi tới 60 người, chật cứng, gần như không cựa quậy gì được, đã thế, bên cạnh lại có mấy người hút thuốc mà nói mãi họ không chịu bỏ, về tới nhà tôi phải nằm mất hai ngày để hoàn hồn, lấy lại sức”, Diệp kể.

Theo 0
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.