'Trận đồ taxi Hà Nội': Vừa hô cấm vừa cấp phép

'Trận đồ taxi Hà Nội': Vừa hô cấm vừa cấp phép
TP - Taxi ở Hà Nội ngày càng dư thừa, hoạt động nhốn nháo. Ngành giao thông vận tải Thủ đô nhiều lần tuyên bố ngừng cấp phép, nhưng số lượng vẫn phình ra. Lệnh cấm dường như để tạo điều kiện cho tiêu cực?

> Bát nháo taxi Hà Nội: Thanh tra vừa đi, mọi việc lại như cũ
> Buông lỏng quản lý taxi, hai bên cùng lợi?

Ngừng cấp phép, xe vẫn tăng

Việc ngừng cấp phép đối với taxi Thủ đô dấy lên từ tháng 1/2010. Trước tình hình phát triển quá nóng của loại hình vận tải này, cùng với những vụ việc taxi chống người thi hành công vụ (như hất CSGT lên nắp capô liên tiếp xảy ra ở Thủ đô); sở GTVT lúc đó đề nghị UBND TP Hà Nội phê chuẩn việc ngừng cấp mới từ 1/3/2010.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT khi đó cho rằng, công tác quản lý chưa tốt thì số lượng taxi gia tăng quá nhanh và không thể kiểm soát được và khẳng định: “Từ ngày 1/3, sở sẽ ngừng cấp phép mới đối với taxi hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội”. Tuy tuyên bố mạnh mẽ vậy, nhưng thực tế, một số hãng taxi ngay sau đó vẫn được ra đời.

Chẳng hạn, Cty Venus Thăng Long được thành lập ngày 26/11/2010, tức vài tháng sau “lệnh” cấm, nhưng vẫn được cấp phép thành lập hãng với đội xe hùng hậu.

Những thông tin vào thời điểm năm 2010 cho thấy, Hà Nội chỉ có 106 hãng với hơn 10.000 taxi. Thế nhưng, đến thời điểm này, con số được công bố lên tới 116 hãng với khoảng 17.000 xe. Viện nghiên cứu chiến lược Giao thông Vận tải công bố thống kê vào năm 2012 rằng, mỗi kilômet đường đô thị của Hà Nội đang “cõng” 16 xe taxi; đây là một nguyên nhân gây ra nạn ùn tắc tại Thủ đô.

 UBND thành phố Hà Nội cần phải có phát ngôn chính thức về vấn đề này để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho DN

LS Nguyễn Hồng Bách

Việc ngừng cấp mới taxi sau thời điểm 1/3/2010 liên tiếp được sở GTVT nhắc lại. Mới đây nhất, vào giữa năm 2012, sở GTVT tiếp tục đề nghị UBND TP Hà Nội ngừng cấp mới đối với xe taxi.

Tuy nhiên, một chủ DN kinh doanh taxi lâu năm ở Thủ đô nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy một văn bản nào chính thức quyết định việc ngừng cấp phép đối với taxi Thủ đô. Hiện lệnh cấm này chỉ là mệnh lệnh bằng miệng”.

Càng cấm, càng tiêu cực?

Chủ DN trên cũng nói, chính vì cơ quan chức năng chưa đưa ra quyết định rõ ràng nên dễ xảy ra tình trạng không cấp cũng đúng, cấp cũng không sai và đây là kẽ hở dẫn đến những tiêu cực.

“Câu chuyện, giấy phép vận tải như là một tài nguyên vận hành theo cơ chế xin - cho vốn dễ nảy sinh tiêu cực nay được gắn thêm cái cớ ngừng cấp phép không được công bố chính thức càng có cớ để tiêu cực hơn” - chủ DN này nói.

Một chủ DN taxi khác tại Hà Nội cho biết, không chỉ việc cấp phép mới taxi thiếu rõ ràng, ngay cả việc cấp phù hiệu taxi hàng năm cũng đang là quy định bất thành văn. Thời hạn hoạt động đối với xe taxi được Chính phủ quy định là 12 năm. Tuy nhiên, phù hiệu hoạt động taxi tại Hà Nội chỉ được cấp với thời hạn 12 tháng và “tuổi” của xe được cấp chỉ khoảng 3, 4 năm.

Một cán bộ có trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội xác nhận với Tiền Phong, không cấp phù hiệu cho những xe kém chất lượng như rách ghế, vỡ xi nhan dù xe đã qua kiểm định, chưa đến 12 năm. Tuy nhiên, theo chủ DN trên, khi đưa ra thời hạn 12 năm, Chính phủ đã tính đến “hưu non” cho loại xe hoạt động cường độ cao như taxi.

Việc Hà Nội đặt ra quy định riêng và không lượng hóa cụ thể thế nào là xe kém chất lượng sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, xe càng cũ khả năng tiêu cực càng cao. Xe bị ngừng hoạt động taxi quá sớm cũng gây lãng phí đầu tư. Một số lái xe cho biết, mỗi lần đổi phù hiệu, họ phải đóng cho công ty ít nhất từ 300-500 nghìn đồng để “chạy” thủ tục.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Cty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự cho rằng: “Quy chế phát ngôn của các cơ quan chức năng được Chính phủ ban hành quy định, các cá nhân của các cơ quan hành chính nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn thì không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn. Trong trường hợp này, Sở GTVT Hà Nội khi chưa được UBND thành phố đồng ý hoặc có văn bản chính thức về việc ngừng cấp phép thành lập mới đối với taxi thì không nên phát ngôn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.