Chuyện Châu bản triều Nguyễn thành Di sản thế giới

Trân kỳ báu vật quốc gia

Bộ phận phục chế TT lưu trữ
Bộ phận phục chế TT lưu trữ
TP - Lần ấy tôi may mắn được coi sớm một triển lãm về Châu bản triều Nguyễn (CBTN) tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Châu bản. Đó là những tờ giấy dó mỏng manh. Nhiều thế kỷ qua đi khiến nó vốn nuột nà nay đã ngả sắc vàng. Do diện tích trưng bày lẫn việc bảo mật, triển lãm chỉ khiêm tốn bày 90 tập trong số 700 tập với 85.000 tờ châu bản.

Châu bản. Hệ thống văn kiện quản lý hành chánh điều hành đất nước từ năm 1802 đến năm 1945 của 13 triều vua suốt 143 năm từ Gia Long đến Bảo Đại.

Châu bản, nghĩa đen là bản chữ son. Từ trào Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675- 1725, vị Chúa Nguyễn được gọi là Bồ Tát từng có bài minh khắc trên chuông chùa Thiên Mụ hiện vẫn còn đọc rõ) hay trào nào của chúa Nguyễn chưa rõ, do kỵ húy mà chữ chu được gọi là châu? Chu là son. Châu bản là những bản tấu sớ đã được vua châu điểm hoặc châu phê, châu khuyên hay châu mạt.

Điểm. Phê. Khuyên. Mạt. Là những động thái của vua thể hiện thái độ chấp thuận hay từ chối trước một bản tấu của các quan về một việc nào đó.

Văn bản (bản tấu) gửi lên vua thường bắt đầu bằng một chữ tấu. Vua đồng ý chấp thuận hết thì chấm một chấm son lên đầu chữ tấu. Động thái ấy gọi là châu điểm.

Nếu vua không đồng ý hoặc chỉ chấp thuận một phần nào hoặc cần thêm thông tin để quyết định việc thưởng phạt thì vua sẽ tự tay viết vào bản tấu gọi là châu phê (Vua Tự Đức chữ đã tốt văn lại hay, lời châu phê có khi lại dài hơn cả lời của bản tấu. Ai cũng kinh cái tài của ngài- Trần Trọng Kim).

Bản tấu ở dưới dâng lên về một danh sách về nhân sự, một văn bản hành chánh của việc quản trị quốc gia hoặc đơn giản, vật phẩm này khác để vua lựa chọn. Nếu vua đồng ý thì dùng bút son khuyên một vòng tròn nhỏ trước tên người hoặc vật phẩm. Động thái ấy gọi là châu khuyên.

Cuối cùng, những bản tấu mà vua không đồng ý người và việc thì dùng bút son quệt lên tên người hoặc việc gọi là châu mạt hay châu cải. (Mạt nghĩa là bôi, xóa, gạch bỏ).

Cũng cần thêm một cái mở ngoặc. Trong những ngày vận nước như trứng để đầu đẳng, ngày 8 tháng 9 năm 1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ cách mạng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Võ Nguyên Giáp thừa lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký liền hai sắc lệnh. Nói đúng hơn là hai điều khoản trong một sắc lệnh mang số 20 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khoản thứ nhất, hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó sẽ bị phạt tiền. Khoản thứ hai, bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ (tiền thân của Cục Lưu trữ Quốc gia ngày nay) và Giám đốc Thư Viện Toàn quốc. Nhưng sau đó như mọi người biết, ông Nhu đã trốn sang Lào… 

Tiếc cho cái tài của ông Nhu khi ấy bị nhỡ! Ông Nhu từng tốt nghiệp Trường pháp điển Paris. Sau đó về nước làm Giám đốc Văn khố Phủ Toàn quyền Đông Dương rồi Giám đốc Thư viện Bảo Đại. Có lẽ khi ký quyết định bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu vào chức việc này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, nguyên giáo sư sử học Thăng Long đã thoáng nhớ đến một việc. Vào thời điểm năm 1942, vua Bảo Đại đã phê chuẩn Ngô Đình Nhu phụ trách một Hội đồng của triều Nguyễn đảm nhận một công việc đặc biệt. Ấy là tiến hành chỉnh đốn, phân mục kho tàng CBTN. Hội đồng của Ngô Đình Nhu đã tiến hành công việc rất hiệu quả trong hai năm liền. Và 15 năm sau, năm 1960, cái tài ấy lại được thể hiện trong việc ông được đích ông anh Tổng thống Ngô Đình Diệm cử phụ trách Hội đồng nhằm cứu cái kho lưu trữ văn khố cùng mộc bản triều Nguyễn tại cố đô Huế đương có nguy cơ hư hại do bao tao loạn xảy ra.

Một nhân vật không thể không nhắc đến rất có công với ngành lưu trữ xứ mình là GS Trần Kinh Hòa. Năm 1959, với chức danh Tổng thư ký Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, GS cùng ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã cật lực cứu vãn kho tư liệu châu bản khi đó đương thương tích đầy mình. Nói thương tích bởi như GS Trần Kinh Hòa đã than tiếc rằng những sử liệu quý báu nầy đã bị hư nát, mất mát quá nhiều trong thời kỳ tản cư từ năm 1945 cho đến năm 1955...

Theo GS Hòa, số liệu thống kê năm 1942 (thời điểm ông Ngô Đình Nhu là Chủ tịch Hội đồng chỉnh đốn, phân loại) CBTN gồm 3.171 tập. Nhưng đến năm 1959, chỉ còn 611 tập, không bằng 1/5 của ngày trước.

Cụ thể, triều Gia Long năm 1942 có 5 tập. Năm 1959 còn 5 tập. Triều Minh Mạng năm 1942 có 253 tập. Nhưng năm 1959 chỉ còn 83 tập. Triều Thiệu Trị năm 1942 có 255 tập. Năm 1959 còn 51 tập. Triều Tự Đức năm 1942 còn 352 tập thất lạc 1610 tập. Triều Kiến Phúc và Đồng Khánh năm 1942 có 163 tập năm 1959 còn mỗi 5 tập, thất lạc 158 tập. Triều Thành Thái năm 1942 có 430 tập năm 1959 còn 74 tập. Duy Tân, năm 1942 có 63 tập còn 35 tập. Khải Định năm 1942 có 64 tập. Năm 1959 còn 4 tập, thất lạc 60 tập.

Cung chiêm trước những tờ CBTN cùng con dấu tròn Quốc gia Việt Nam. Trung phần. Ngay giữa là chữ Văn hóa. (tạm hiểu là cơ quan văn hóa Trung phần quốc gia Việt Nam). Con dấu này cũng do bộ phận nghiên cứu phục chế của GS Trần Kinh Hòa áp vào từng tờ châu bản từ cái năm 1959 ấy. Không khỏi những bồi hồi khi nghĩ đến những gắng gỏi cùng phương pháp xử lý tư liệu khoa học của tiền nhân mà hiện tại chúng ta, nhất là các nhà sử học cùng giới nghiên cứu đã và đang được thừa hưởng nội dung, hiện trạng của toàn thể CBTN.

Trân kỳ báu vật quốc gia ảnh 1 Châu phê của Vua Tự Đức Minh Mạng
Những tờ châu bản quý giá từng lặng lẽ làm cuộc thiên di vào Nam. Những tờ giấy dó giấy bản như vương hơi ấm hồn cốt của những bậc tiên đế Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... không về Sài Gòn mà lên Đà Lạt.

Từ Đà Lạt, kho CBTN được đưa về 34 Gia Long. Sau đó chuyển sang 72 đường Nguyễn Du thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan lưu trữ quốc gia II.

Rồi những cú hích của các ông Võ Văn Kiệt, Trần Văn Giàu để có quyết định đưa toàn bộ châu bản cùng những tư liệu văn khố ra Hà Nội vào thời điểm mùa thu năm 1991 là cả một câu chuyện dài với lắm nhiêu khê trắc trở.

Ngược Bắc bằng tàu hỏa, những hòm châu bản được chuyển về bộ phận lưu trữ của Thư viện Quốc gia tại 31B Tràng Thi.

May mắn làm sao thời khắc binh đao năm 1975 rồi sau đó, cái kho chứa CBTN không bị trái bom làn đạn nào lạc vào. Hay đơn giản hơn không bị một mẩu thuốc hút dở của anh quân quản nào đó vô ý vứt nhầm.

Mãi sau này do nhiều nguyên nhân, những hòm CBTN mới được yên ổn ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (TTLTQG I) khang trang (phố Vũ Phạm Hàm phường Yên Hòa Cầu Giấy) với phương pháp bảo quản hiện đại chuẩn quốc tế. Được tiến hành số hóa và mở cửa để bạn đọc và các đối tượng nghiên cứu đến tham khảo. Không phải mọi văn bản lưu trữ trong đó có nhiều tờ châu bản đều ở tình trạng tốt. Bộ phận phục chế của TT đang tiến hành khẩn trương nhưng tỷ mỷ cái việc phục chế phục hồi văn bản. Một công việc gian nan nhưng cũng có nhiều thứ thú vị. Xin khất bạn đọc ở một bài khác.

Coi sóc cái kho độc nhất vô nhị chứa CBTN là thạc sĩ Hà Văn Huề, GĐ TTLTQG I thuộc Cục lưu trữ và văn thư Nhà nước. Một thứ báu vật hiện đang lưu trong kho và đang được khẩn trương số hóa để thuận tiện cho việc tra cứu là 17.000 tập địa bạ tương ứng với 17.000 đơn vị hành chính của nhiều tỉnh thành nhà Nguyễn đến thời Pháp thuộc.

Lại ngạc nhiên biết thêm, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không có Châu bản. Đời nhà Thanh chỉ lác đác không xuyên suốt chiều dài qua 13 đời vua như Việt Nam. Nghe chuyện ông Huề tôi nghĩ không biết thời điểm ấy, những nước có chế độ quân chủ có sử dụng chữ tượng hình, vua tôi giao thiệp chuẩn tấu rồi điều hành hệ thống hành chính như thế nào nhỉ?

Lần ấy ở TT, tôi đã dừng lâu hơn ở những dòng trong sổ Ghi cảm tưởng của hai độc giả (khách hàng). Ấy là những bộc bạch cảm động của ông Tôn Thất Lý Huy hậu duệ đời thứ 7 Vua Gia Long và ông Nguyễn Phúc Vĩnh Tuần hậu duệ đời thứ 6 Vua Minh Mạng khi được tiếp cận những thông tin, hiện vật và nhất là bút tích của các tiên đế của tiền nhân.

Phản ánh hầu hết các vấn đề của xã hội Việt Nam, loại mô hình xã hội phong kiến thuộc địa giai đoạn thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX như chính trị tôn giáo, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa… Châu bản còn phản ánh mối quan hệ nhà Nguyễn với nhiều nước trên thế giới. Rất hy hữu quốc gia nào có hệ thống văn bản độc đáo như CBTN bởi tính xác thực của văn bản gốc trong đó được cấu thành bởi hình thức các con dấu. Hệ thống ấn triện ấy thể hiện tính xác thực của nội dung văn bản và thẩm quyền ban hành văn bản vv… Nhiều học giả quốc tế đã tìm đến sự độc đáo ấy. 

Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Loại hình độc đáo CBTN, tại sao không? Cách nay chưa lâu, có một đoàn chuyên gia của UNESCO đến thăm TT trong đó có chuyên gia của Trung tâm Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới. Họ đã bộc bạch cảm tưởng ngạc nhiên khâm phục khi tiếp cận với hệ thống văn bản CBTN. Bất ngờ, khách thẳng thắn gợi ý TT nên gửi hồ sơ đến UNESCO!

…Sau đó được những cá nhân và cơ quan có trách nhiệm trong và ngoài nước chung tay, góp sức trong đó có TS. Pujaya Abharn, Chủ tịch Tiểu ban Chương trình ký ức thế giới của UNESCO trực tiếp hướng dẫn lập hồ sơ. Bộ hồ sơ về CBTN tháng 11- 2013 đã đến nơi cần đến.
Nhớ thời điểm lập hồ sơ, ông GĐ TTLTQG I Hà Văn Huề thành thực lẫn thân mật hỏi TS. Pujaya Abharn liệu hồ sơ châu bản có chắc thành công không mà gửi thì vị TS cười, tự các ông phải chứng minh và tự tin sự chứng minh ấy… Nhưng với địa vị của các ông của Việt Nam thì nên gửi hồ sơ này!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.