Tràn lan nhà xưởng, thu gom phế liệu trong khu dân cư

Hơn 150 nhà xưởng tạm bợ gần đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh HưngẢnh: Tuấn Minh
Hơn 150 nhà xưởng tạm bợ gần đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh HưngẢnh: Tuấn Minh
TP - Ghi nhận của nhóm PV Tiền Phong trên địa bàn quận Hoàng Mai cho thấy, tại quận này còn tồn tại hàng nghìn nhà xưởng, ki ốt, chợ dân sinh, cơ sở thu gom phế liệu, lều lán tạm bợ nguy cơ cháy nổ rất cao ngay trong khu dân cư.

Điển hình như hệ thống  nhà xưởng, ki ốt, lều lán kéo dài hai bên đường Lĩnh Nam ( quận Hoàng Mai). Vây quanh cụm tiểu thủ công nghiệp quận Hoàng Mai là dày đặc nhà xưởng, ki ốt tạm bợ lợp tôn rất nhếch nhác và nguy cơ cháy nổ cao. Tại đây kinh doanh đủ loại mặt hàng như quần áo, giầy dép, hàng ăn uống, vật liệu xây dựng, thu mua phế liệu, nhôm kính, hàn sắt, sàn gỗ công nghiệp.

Đi sâu vào ngõ 190 Lĩnh Nam, chúng tôi chứng kiến tình trạng nhiều người lao động ngoại tỉnh thuê những căn nhà tạm sinh sống khá tạm bợ, chật chội, bếp nấu ăn nằm ngay trong nhà. Nhiều nhà xưởng kết hợp làm kho hàng nhưng qua quan sát không hề có các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Đại diện UBND phường Vĩnh Hưng cho biết, riêng khu vực cạnh đường Lĩnh Nam và cụm công nghiệp vừa và nhỏ đã có hơn 150 nhà xưởng, lều lán tạm bợ. Khu vực này tồn tại đã gần 20 năm và nằm trong hành lang giải tỏa mở rộng tuyến đường Lĩnh Nam và khu đất đấu giá sau này. 

Khu vực Linh Đàm ( Hoàng Mai) là nơi tập trung nhiều tòa nhà cao tầng và có mật độ dân cư thuộc diện cao nhất Hà Nội. Trong quy hoạch xây dựng, khu đô thị Linh Đàm  chỉ có các tòa nhà chung cư, trường học, và hệ thống các công trình hỗ trợ như siêu thị, bãi đỗ xe, công viên, cây xanh… hoàn toàn không có nhà xưởng, cơ sở sản xuất cơ khí, tái chế phế liệu.

Tuy nhiên, dọc các tuyến phố, đường nội bộ trong các khu dân cư ở Linh Đàm, đặc biệt là các khu Bắc Linh Đàm, Tây Nam Linh Đàm hiện đang có hàng chục nhà xưởng, cơ sở cơ khí mọc lên và hoạt động từ sáng đến đêm. Đi dọc tuyến đường Nghiêm Xuân Yêm (qua khu Bắc Linh Đàm), Bằng Liệt (qua khu Tây Nam Linh Đàm) trong những ngày qua, chúng tôi ghi nhận, hệ thống nhà xưởng cơ khí gồm sửa chữa, hoán cải ô tô, xe tải; hàn gò cơ khí; cắt mài đá ốp lát… mọc lên như nấm. 

Trên đường Nghiêm Xuân Yêm đoạn từ Cầu Dậu đến khách sạn Mường Thanh và phố Bằng Liệt đoạn từ cầu Quang đến cầu Dậu là hàng chục nhà xưởng, cơ sở buôn bán cơ khí, chế tác, trong đó có các nhà xưởng, cơ sở cơ khí lớn như: Xưởng sửa chữa và làm khung gầm ô tô Anh Thiện; Cơ sở sản xuất cổ pô xe máy Thái Motor; cửa hàng thay và làm lốp ô tô Long Thiện, Công ty đá ốp lát Thành An… Với đoạn đường dài khoảng 500 mét chưa được đặt tên nối từ đường Nghiêm Xuân Yêm đến các tòa nhà X2 (Bắc Linh Đàm), hai bên đường đặc kín các cửa hàng hàn xì, cơ khí; chế tác phế liệu…

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.