Tràn lan xe khách không phép tuyến Quảng Ninh - Hà Nội

Có biển cấm dừng đỗ, nhưng xe hợp đồng vẫn ngang nhiên bắt khách trên đường Nguyễn Xiển, Hà NộiẢnh: Anh Trọng
Có biển cấm dừng đỗ, nhưng xe hợp đồng vẫn ngang nhiên bắt khách trên đường Nguyễn Xiển, Hà NộiẢnh: Anh Trọng
TP - Trước tình trạng xe hợp đồng trá hình lộng hành, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải liên tỉnh hoạt động trên tuyến Quảng Ninh – Hà Nội vừa có đơn “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ. Theo các DN vận tải này, thực tế trên đang phá vỡ trật tự trong lĩnh vực vận tải khách liên tỉnh.

Chỉ 300/1.500 xe khách tuyến Quảng Ninh - Hà Nội có phép

Lá đơn của gần 20 DN vận tải khách liên tỉnh có tên tuổi được Sở GTVT Quảng Ninh và Hà Nội cấp phép hoạt động trên tuyến Quảng Ninh - Hà Nội, trong đó có Công ty CP Bến xe Quảng Ninh, Công ty CP Bến xe TT Cẩm Phả, Công ty TNHH TM Đức Phúc, nhà xe Hoàng Long, nhà xe Humho - Việt Thanh...

Đơn kiến nghị nêu: “Thời gian qua chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan nhà nước để phản ánh tình trạng “xe dù” “bến cóc” ngang nhiên hoạt động, coi thường pháp luật…, đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay tình trạng đó không hề thuyên giảm mà số xe vi phạm ngày càng gia tăng”.

Các DN vận tải này cho biết, trên tuyến Quảng Ninh - Hà Nội và ngược lại, hằng ngày có trên 1.500 xe, nhưng trong số này chỉ có khoảng 300 xe được cấp phép hoạt động tuyến cố định, còn lại phần lớn là giả danh xe hợp đồng để hoạt động tuyến cố định. Số xe này phần lớn là dòng Limousine 10 chỗ, xe khách loại 19 chỗ, xe giường năm 41 chỗ… mang BKS Quảng Ninh, Hà Nội.

Hằng ngày, xe hợp đồng trá hình chạy vòng vo, tùy tiện vào mọi khung giờ để đón trả khách tại Quảng Ninh và Hà Nội. Trong khi đó, các DN vận tải khách được cấp phép hoạt động liên tỉnh không được bố trí xe trung chuyển, phải chạy từ bến ra, chạy đúng giờ, đúng hành trình, không được bắt khách trên đường... Hơn nữa, trong khi DN vận tải liên tỉnh phải thực hiện nhiều nghĩa vụ thuế, tài chính từ hoạt động của DN cho đến bến bãi thì các hãng xe dù, xe trá hình lại không phải đóng bất kỳ một khoản chi phí nào.

“Hoạt động này vừa gây thất thu cho nhà nước vừa làm cho bến bãi trống vắng, không phát huy được công năng hoạt động. Cùng với đó làm cho hàng chục DN vận tải liên tỉnh được cấp phép với hàng trăm chủ xe đứng trên bờ vực phá sản do không thể cạnh tranh nổi với sự hoạt động chộp giật của xe khách trá hình”, đại diện các DN vận tải liên tỉnh tuyến Quảng Ninh - Hà Nội phản ánh.

Thanh tra, cảnh sát kêu khó

Ngoài những nguyên nhân trên, đại diện các DN vận tải khách tuyến Quảng Ninh - Hà Nội còn “tố”, do hoạt động không đúng quy hoạch, quy định và phương án tổ chức giao thông nên xe khách trá hình đang là nguyên nhân chính gây ùn tắc, rối loạn giao thông tại nội đô Hà Nội và Quảng Ninh.

 Từ thực tế này, các DN vận tải khách tuyến Quảng Ninh - Hà Nội đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan, sớm có biện pháp để ngăn chặn tình trạng trên, đồng thời bảo vệ các DN làm ăn chân chính. Sớm sửa đổi, ban hành Nghị định 86 theo hướng siết chặt hoạt động của xe hợp đồng, chấm dứt tình trạng xe hợp đồng trá hình, xe tuyến cố định.

Đại diện một số hiệp hội và chuyên gia vận tải cho rằng, xe hợp đồng trá hình đang hoạt động ngang nhiên trên nhiều tuyến đường tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, nói về biện pháp xử lý, các chuyên gia cho rằng, không khó nếu cơ quan chức năng quyết tâm làm. “Chưa cần đến nhà nước phải ban hành các nghị định mới, hiện nay quy định cho việc này đã đủ để xử lý nghiêm, xử lý tận gốc vấn đề”, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, chưa cần tính đến lực lượng Thanh tra, Cảnh sát giao thông (CSGT) đứng ngoài đường xử lý, hiện tại, hầu hết các xe kinh doanh vận tải đều đã được yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình (GPS). “Do vậy, chỉ cần cơ quan chức năng cấp phép ngồi ở phòng làm việc theo dõi trên hệ thống cũng biết được từng xe khách có hoạt động đúng quy định, hành trình đã được cấp phép hay không. Từ đó, cơ quan chức năng muốn xử lý xe nào vi phạm cũng được. Vấn đề là cơ quan quản lý có làm hay không thôi”, ông Liên nêu ý kiến.

Nói về xe hợp đồng trá hình hoạt động trên nhiều tuyến đường nội đô Hà Nội, đại diện một đội CSGT thuộc Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, xe khách có “nốt” hoạt động đầu bến và cuối bến nếu dừng đỗ bắt khách trên đường là vi phạm, CSGT phát hiện là sẽ xử phạt. “Tuy nhiên, do nhiều xe “núp bóng” dưới dạng xe hợp đồng (đón khách theo điểm hẹn) nên rất khó xử lý”, đại diện Đội CSGT số 14 nêu lý do. Khi chúng tôi đề cập việc trên với Đội Thanh tra giao thông quận Hoàng Mai (Sở GTVT Hà Nội), đại diện đội này cũng cho rằng, quy định chưa rõ ràng nên rất khó xử lý khi xe dù trá hình, đội lốt xe hợp đồng.

Năm 2016, trước tình trạng nạn bảo kê, côn đồ trên tuyến xe khách Hải Phòng - Hà Nội lộng hành, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có văn bản yêu cầu Công an thành phố Hải Phòng phối hợp Bộ Công an và các đơn vị liên quan: Điều tra và xử lý dứt điểm tình trạng tranh giành khách trên quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng; Làm rõ hiện tượng côn đồ bảo kê cho một số đơn vị kinh doanh vận tải, đe dọa hành hung tài xế của các đơn vị khác trên tuyến quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng…

MỚI - NÓNG